Trong cuộc đời, người bạn thân tình có thể chia thành ba cấp, đó là thượng phẩm, tinh phẩm và tuyệt phẩm. Một người bạn có phẩm chất như nước thì đó là người bạn “thượng phẩm”, có phẩm chất như cháo thì đó là người bạn “tinh phẩm” và có phẩm chất như trà thì đó là người bạn “tuyệt phẩm”. Nếu trong cuộc đời, một người có được người bạn như vậy thì đã là người giàu có rồi.
1. Người bạn “thượng phẩm”
Người bạn có phẩm chất như nước là người bạn “thượng phẩm”. Người bạn có phẩm chất như nước, không nhiệt liệt, không vồn vã, không phô trương, làm việc thiện mà không muốn người khác biết, lặng lẽ làm bạn.
Quan Vũ, Lưu Bị và Trương Phi. Kết nghĩa vườn đào, thề cùng sinh tử.
Người bạn như nước khiến người ta có cảm giác không phụ thuộc. nhưng lại không thể rời xa. Tình bạn như nước giống như tình bạn của Quan Vũ với Lưu Bị, Tiết Nhân Quý với Vương Mậu Sinh, là người trợ giúp đắc lực, không rời bỏ, thủy chung trước sau như một.
2. Người bạn “tinh phẩm”
Bạn thân như cháo là người bạn “tinh phẩm”. Cháo có thể làm ấm thân ấm lòng người. Người bạn có phẩm chất như cháo sẽ không thân thiết, xiểm nịnh khi nghèo hèn, không vồn vã khi bạn giàu sang và không xa lạ khi bạn khó khăn hơn mình.
Người bạn như cháo, mặc dù không tinh tế, khéo léo, không tao nhã, thanh lịch nhưng lại chứa một dư vị vô cùng đặc biệt, khó quên. Người bạn ấy luôn đến vào những lúc ta cần sự giúp đỡ nhất.
Khi bạn mệt mỏi, ngã lòng thì họ sẽ trợ giúp và khiến bạn tỉnh ngộ. Tình bạn ấy giống như tình bạn tri kỷ, tự nhiên giữa Bảo Thúc Nha và Quản Trọng.
Bảo Thúc Nha mỗi lần thanh minh cho Quản Trọng thì đều biến khuyết điểm thành ưu điểm, bởi một lẽ ông hiểu Quản Trọng và rất yêu mến bạn mình. Quản Trọng vì thế xúc động mà nói: “Người sinh ra ta là mẹ, người hiểu ta chỉ có Bảo Thúc Nha mà thôi”.
3. Người bạn “tuyệt phẩm”
Người bạn thân có phẩm chất như trà là người bạn tuyệt phẩm. Trà vừa có vị thanh nhã vừa có vị cao quý. Người bạn có phẩm chất như trà có thể hun đúc, bồi dưỡng bạn, đề bạt bạn. Hai người không cần dùng lời nói cũng hiểu nhau và hòa hợp cùng nhau. Tình bạn ấy giống như tình bạn giữa Bá Nha và Tử Kỳ.
Lúc Bá Nha đánh đàn, khi đàn đến đoạn miêu tả núi cao, Chung Tử Kỳ ngồi bên cạnh nói: “Ôi núi cao như Thái Sơn”. Khi Bá Nha đàn đến khúc miêu tả nước chảy, Tử Kỳ lại nói: “Ôi nước chảy cuồn cuộn như sông dài”. Sau khi Tử Kỳ mất, Bá Nha không đàn nữa. Ông cho rằng không ai hiểu được tiếng đàn của ông bằng Tử Kỳ. Sau này từ tri âm dùng để chỉ người hiểu được sở trường của mình.
Trong cuộc đời này, nếu có một người bạn “thượng phẩm” thì bạn quả là người may mắn. Nếu có được một người bạn “tinh phẩm” thì bạn là người vô cùng may mắn. Nếu có được người bạn “tuyệt phẩm” thì bạn là người may mắn đến cực điểm rồi.