Đối tượng nào sẽ không được tăng lương khi thực hiện Cải cách tiền lương 2024?

( PHUNUTODAY ) - Nhiều người dân quan tâm rằng có phải tất cả những lực lượng lao động sẽ được Cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27?

Chiều 9/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó nhấn mạnh việc rà soát, hoàn thiện chính sách tiền lương, các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ và phát triển diện tham gia.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ sớm triển khai các công tác liên quan đến việc cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương từ ngày 1/7/2024.

Như vậy, từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay cho chính sách tiền lương thấp, chưa tạo động lực như hiện nay.

tang-luong

Rất nhiều người lao động quan tâm rằng, có phải khi thực hiện cải cách tiền lương, tất cả các đối tượng người lao động sẽ được tăng lương hay không.

Trên báo Lao động, vấn đề này được chia sẻ như sau:

Cụ thể, đối tượng được thực hiện chính sách cải cách tiền lương bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công); Người lao động trong doanh nghiệp.

Khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ có 36 đơn vị của một số ngành đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù sẽ không còn được hưởng chính sách lương đặc thù nữa.

Nếu xây dựng bảng lương chạy ngang, một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương. Do vậy, khi thực hiện cải cách tiền lương thì 36 đơn vị hưởng lương đặc thù khả năng cao sẽ không được tăng lương.

Như vậy, nhiều khả năng, cán bộ công chức thuộc 36 đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù nêu trên sẽ không được tăng lương khi cải cách tiền lương.

Phương án giải quyết cho những cán bộ công chức không được tăng lương được đưa ra thế nào?

Căn cứ theo Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có nêu nguyên tắc xây dựng lương mới đối với khu vực công như sau:

Nội dung cải cách

3.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)

  • a) Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
  • b) Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng...

Theo đó, lương mới của cán bộ công chức sẽ được thực hiện theo bảng lương mới trên nguyên tắc "không thấp hơn tiền lương hiện hưởng".

Do vậy, để đảm bảo nguyên tắc này, Chính phủ đưa phương án hưởng lương bảo lưu chênh lệch nếu lương cơ bản cộng phụ cấp mới thấp hơn so với tiền lương hiện hưởng (bao gồm cả tiền lương tăng thêm) trước cải cách tiền lương.

Cụ thể, những cơ quan có bảng lương đặc thù sẽ được bảo lưu (không tăng thêm) nếu tiền lương mới thấp hơn, để hướng đến sự công bằng với người hưởng lương.

tien-luong

Nhiệm vụ quan trọng năm 2024

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cũng đề nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, chuyển đổi số quốc gia.

"Cần có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp, nhất là đầu tư phát triển công nghệ hydrogen xanh, sản xuất chip bán dẫn", Nghị quyết nêu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng.

Nghị quyết cũng yêu cầu nâng cao chất lượng sách giáo khoa, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.

Về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Quốc hội đề nghị thực hiện giải pháp đột phá phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi.

Mục tiêu đến năm 2025 và 2030, Việt Nam đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link