Mỗi năm đóng thêm được hưởng quyền lợi ra sao?
Theo quy định Luật bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 thì số năm đóng tối thiểu để được hưởng lương là 15 năm. Đến tuổi nghỉ hưu thì lao động nam đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, lương hưu có tỉ lệ bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và mức này ở nữ giới là 45%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu của nam là 45%, tính thêm 2%/năm đóng cho đến khi hưởng tối đa 75%.
Như vậy rõ ràng những người có số năm đóng tăng thêm so với số năm tối thiểu thì quyền lợi hưởng lương sẽ tăng lên theo số năm. Nếu tính theo cách này thì lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội 30 năm và lao động nam đóng bảo hiểm xã hội 35 khi nghỉ hưu sẽ được hưởng mức lương tối đa là 75%.
Như vậy người lao động cần nắm rõ điều này để hiểu về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội để đảm bảo khi về hưu có mức lương cao nhất có thể.
Các năm tham gia đóng thêm vượt số năm tối thiểu được tính thêm mức hưởng lương tại Việt Ham tương đối cao so với nhiều nước. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉ lệ hưởng lương hưu bình quân với mỗi năm tham gia BHXH của các nước khoảng 1,7%. Hai nước phát triển là Trung Quốc, Hàn Quốc có tỉ lệ 1%. Riêng Việt Nam, tỉ lệ hưởng lương hưu ở nam và nữ hiện hành lần lượt là 2,14% và 2,5%. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang ở giai đoạn già hóa dân số và dự báo đến năm 2036 sẽ bước vào giai đoạn dân số già với tỉ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 14%.
Quy định giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm được hưởng lương hưu có lợi cho người lao động. Quy định này không phải dành cho lao động trẻ mà tạo cơ hội cho người cao tuổi tham gia BHXH muộn nhưng vẫn đủ điều kiện khi về hưu, hoặc những người tham gia gián đoạn có thể cộng dồn để hưởng lương hưu. Mặc dù mức hưởng lương hưu khi chỉ đóng 15 năm là mức thấp hơn người đóng dài nhưng cũng là một nguồn tài chính ổn định. Do đó người lao động cần chú ý để làm sao có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội dài nhất thì khi nghỉ hưu mức lương sẽ cao nhất.