Ở Việt Nam, dòng họ lập ra hai triều đại chính là dòng họ Lê, bao gồm nhà Tiền Lê (980 - 1009) và nhà Hậu Lê (1428-1789). Dòng họ Lê chính là dòng họ có nhiều vua nhất ở Việt Nam với 390 năm trị vì đất nước trong thời kỳ phong kiến.
Về nguồn gốc, sử sách ghi rằng họ Lê ở Việt Nam là một trong những dòng học đặc trưng của dân tộc Lạc Việt, vốn định cư tại hai vùng đất là Thanh Hoá và Ninh Bình từ rất lâu. Các vị vua và danh nhân họ Lê, những thuỷ tổ của nhiều chi phái họ Lê ở nước ta đều có gốc từ đất Lạc Việt. Trong cuốn sách "100 họ phổ biến ở Việt Nam" của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2022 đã thống kê họ Lê chiếm 8,9% dân số Việt Nam.
Theo Gia phả họ Lê, dòng họ này là thuỷ tổ của người Việt từ thời khai thiên lập địa, bắt đầu với dân tộc Lạc Việt.
Sách Lễ hội và Danh nhân lịch sử Việt Nam có gi lại rằng, Thục phán An Dương Vương vốn là người thuộc họ Lê ở vùng Mỹ Đức, Hà Nội ngày nay. Đến cuối thời vua Hùng thứ 18 (năm 258 trước công nguyên), Thục phán lên ngôi xưng là An Dương Vương. Lúc đó, ông cũng thay quốc hiệu của đất nước từ Văn Lang thành Âu Lạc; đóng đô ở Đông Kinh và cho xây thành Cổ Loa. An Dương Vương được tôn làn thuỷ tổ của dòng họ Lê tại Việt Nam.
Trải qua ngàn năm lịch sử, họ Lê cùng trăm họ cùng nhau xây dựng, bảo vệ giang sơn. Dòng họ Lê có hai lần lập ra triều đại là Tiền Lê kéo dài 29 năm từ 980-1009 và Hậu Lê kéo dài 361 năm từ 1428-1789. Lê Hoàn là vị vua mở đầu cho nhà Tiền Lê. Lê Thái Tổ (Lê Lợi) là vị vua mở đầu cho nhà Hậu Lê.
Trong lịch sử Việt Nam, tất cả có 31 vị vua mang họ Lê. Trong đó, vị vua có thời gian trị vì lâu nhất là vua Lê Hiển Tông. Ông trị vì đất nước trong suốt 46 năm (1740-1786). Tuy nhiên, vai trò của vua Lê trong giai đoạn này không được thể hiện rõ ràng. Nguyên nhân là do quyền lực của chúa Trịnh phát triển và lấn át.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lê Long Việt (Lê Trung Tong, con của vua Lê Đại Hành) là vị vua họ Lê có thời gian trị vì ngắn nhất, chỉ vỏn vẹn 3 ngày. Sau đó, em trai của ông là Lê Long Đĩnh lật đổ ngôi vua và lên ngôi.
Sách Lịch triều hiến chương loại chí có ghi, trong nhà Hậu Lê, Lê Thần Tông có tới 4 người con lên ngôi vua là Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông và Lê Hy Tông.
Với vua Lê Trang Tông, có một giai thoại gắn liền với ông chính là Chúa Chổm. Do thời còn nhỏ ông có tính cách phóng khoáng, lưu lạc trong dân gian, nợ nần chồng chất không thể trả nổi nên người đời gọi là Chúa Chổm. Câu "Nợ như Chúa Chổm" mà ngày nay chúng ta vẫn dùng có nguồn gốc từ đây. Sau này, Nguyễn Kim đã đưa Lê Trang Tông lên ngôi vua. Đây chính là vị vua mở đầu của thời Lê trung hưng.