Hà Trung, Thạch Thành và Yên Định là 3 vùng chuyên canh cây dứa lớn của tỉnh Thanh Hóa với diện tích lên tới vài nghìn héc ta đang vào độ thu hoạch. Tuy nhiên, so với sự tấp nập xe cộ, thương lái ra vào như năm trước,năm nay trên các cánh đồng dứa lại vô cùng vắng vẻ do giá cả xuống thấp và tiêu thụ khó khăn.
Còn tại nông trường Thống Nhất và huyện Ngọc Lặc có tới hơn 800ha trồng dứa cũng đến kỳ thu hoạch nhưng người dân mới thu hoạch được một phần, còn nhiều hộ cũng không mặn mà lắm đến việc thu hoạch do giá thu mua thấp chỉ 1.000 – 1.500đồng/kg khiến nhiều ruộng dứa vẫn còn ngổn ngang và hư hỏng hết.
“Để không được, bán cũng không xong”, nhiều gia đình trồng dứa tại đội 1, phố 4, thị trấn Thống Nhất buộc lòng phải chọn cách thuê máy cắt, phá bỏ cả thửa ruộng dứa chín vàng để chuẩn bị cho vụ trồng hoa màu kế tiếp.
Đa phần các hộ dân trồng dứa trong vùng đều vay vốn ngân hàng, người quen để trồng trọt. Người trồng ít thì vái héc ta, người nhiều thì cả chục. Trung bình tổng chi phí cho một hec ta dứa là khoảng 15 triệu đồng, thế nhưng hiện tại giá bán của một héc ta chỉ dao động từ 7 – 8 triệu đồng khiến nhiều hộ dân ở đây lao đao kêu cứu.
Trao đổi về lí do người trồng dứa năm nay thất thu, ông Trịnh Quốc Dũng – Giám đốc công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa – một trong những đơn vị chính thu mua dứa gai của bà con cho biết: “Do năm nay diện tích trồng dứa tăng hơn nhiều so với mọi năm, trên thị trường lại có nhiều mặt hàng hoa quả cũng vào mùa, việc tiêu thụ dứa có khó khăn là điều tất yếu. Đơn vị cũng đang có những thống kê ban đầu để giúp đỡ, hỗ trợ một phần cho người dân trồng dứa trên địa bàn”.
Theo chị Mai Thị Tuyết (46 tuổi) trú thôn Vạn Bảo, xã Hà Long cho hay, Hiện gia đình còn hơn 20 tấn dứa đã chín. Tuy nhiên, việc thu hoạch không thể thực hiện do giá quá thấp không đủ chi phí đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, hiện tại thương lái cũng không thu mua nữa.Với giá bán hiện nay là từ 1.500 – 2.000 đồng/kg thì sẽ lỗ vốn nặng. Mấy hôm trước gia đình có thu hoạch được khoảng 0,5 ha với khoảng 20 tấn dứa, giá bán từ 6.000 – 6.500 đồng/kg thì có lãi. Bây giờ giá xuống thấp, gia đình còn khoảng hơn 20 tấn nữa đang chín nhưng đành để dứa chín thối.
Ông Nguyễn Hữu Thành - Chủ tịch UBND xã Hà Long cho biết: “Hiện nay trên toàn xã có khoảng 650ha dứa nhưng đến thời điểm hiện tại cả xã đã thu hoạch được 80% tổng số với khoảng trên 20.000 tấn. Bây giờ giá rẻ nên người dân không thu hoạch nữa.”
"Việc trồng dứa bấp bênh lắm, năm nay giá lại xuống thấp và quan trọng nhất là thị trường nhưng dân thì trồng tự phát bán cho thương lái chứ chưa ký kết với công ty thu mua nào. Xã cũng đã đề xuất với các cơ quan chức năng về xây dựng một nhà sản xuất sản phẩm dứa và cũng đang khảo sát vị trí để xây dựng", ông Thành cho biết thêm.
Còn tại Bắc Giang, diện tích trồng dứa (phổ biến là giống Queen) của huyện Lục Nam (Bắc Giang) vào năm 2018 đạt 390ha, trong đó trồng tập trung chủ yếu tại xã Bảo Sơn (khoảng 320ha); năng suất đạt từ 20 – 35 tấn/ha, tổng sản lượng toàn huyện ước đạt 11.505 tấn.
Hiện đang là chính vụ thu hoạch dứa nhưng tại xã Bảo Sơn giá bán tại vườn đang thấp nhất từ trước đến nay. Theo ông Vi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Dứa Bảo Sơn, năm 2018, HTX có 300ha dứa, năng suất đạt 35 tấn/ha, nhưng giá bán không bằng 1/4 so với năm 2017.
Đến nay, HTX đã bán hết 50% sản lượng dứa. Trong đó, 20% sản lượng bán với giá 8.000 đồng/kg, còn lại bán với giá từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, nửa tháng nay dứa loại 1 chỉ bán với giá 3.000 đồng/kg, dứa loại 2 bán 1.500 đồng/kg.
Được biết, thời vụ thu hoạch dứa tại Lục Nam sẽ kéo dài tới cuối tháng 6, đầu tháng 7, trùng với thời gian thu hoạch vải thiều. Do vậy, nhiều khả năng trong khoảng thời gian này giá dứa vẫn duy trì ở mức thấp.
Từ thực trạng trên, có thể thấy khi chưa có đầu ra ổn định cho nông sản, thì giá cả thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và nhu cầu của thị trường bán lẻ, bởi thế, người nông dân vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong việc sản xuất.