Bình đẳng giới được Liên Hợp Quốc xem là một trong bốn vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển toàn cầu và một trong bảy mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Chính vì thế, nó đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia. Việc thực hiện bình đẳng giới sẽ góp phần đem đến sự công bằng trong xã hội, đưa đất nước phát triển và trở nên văn minh hơn.
Văn học không chỉ là một môn nghệ thuật mà còn là một môn học giúp bồi đắp nhân cách, tạo dựng hình mẫu cao đẹp cho mỗi em học sinh. Do đó, việc đưa bình đẳng giới vào các bài giảng là một điều cần thiết, được nhiều nhà nghiên cứu xã hội học và nghiên cứu về giới tán thành. Các thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên dạy văn có vai trò to lớn trong việc định hướng những giá trị tốt đẹp về bình đẳng giới cho thế hệ trẻ Việt Nam thông qua các tác phẩm mà họ truyền đạt.
Chia sẻ kinh nghiệm về việc lồng ghép Giới vào giảng dạy trong Văn học, thầy Trịnh Minh Hương – Phó khoa Ngữ văn trường Đại học Quảng Nam cho biết đây là công việc cần phải làm nếu muốn vấn đề bất bình đẳng giới giảm dần và tiến tới bị xóa bỏ. Tuy nhiên, thầy cũng cho rằng việc lồng ghép này đối với các trường Đại học sẽ dễ dàng hơn với các trường Trung học phổ thông.
Phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo là yếu tố quyết định việc đưa bình đẳng giới vào trong các tác phẩm văn học - Thầy Trịnh Minh Hương chia sẻ |
Giải thích về điều này, thầy cho biết: đối với sinh viên – những người có tầm nhận thức cao hơn các em học sinh và có khả năng tự giáo dục, giảng viên chỉ cần gợi ý vấn đề cho sinh viên tự tìm hiểu là được.
Cũng theo thầy, riêng với các trường không mang tính chất khoa học xã hội và nhân văn như kinh tế, xây dựng… cần phải có cách lồng ghép vấn đề Giới thật khéo léo vào trong các bài giảng.
Các môn học có thể đưa vấn đề Giới vào chủ yếu là các môn văn, sử, địa. Tuy nhiên, càng ngày học sinh càng “thờ ơ” với những môn xã hội. Liệu rằng điều đó có gây cản trở gì đến việc lồng ghép vấn đề Giới vào để giảng dạy?
Giải đắp băn khoăn trên, thầy Hương cho biết thực tế, không phải học sinh không yêu thích môn học, chỉ là một bộ phận nào đó thiếu “mặn mà” đối với chúng. Thầy cô giáo phải có định hướng, gợi ý phương pháp cụ thể cho học sinh, để các em nhận thức được và rung cảm trước các hình tượng, nhân vật. Thực sự, có nhiều học sinh có sự rung cảm, cảm thụ văn học rất tốt.
Một vấn đề được đặt ra trong hội thảo là: Nếu lên cấp 3 mới lồng ghép Giới vào giảng dạy thì có muộn không? Theo Tiến sĩ xã hội học Nguyễn Thị Tuyết Minh, việc tuyên truyền về bình đẳng giới đã được phổ biến đến hầu hết đối tượng. Nó không chỉ được giảng dạy cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học mà còn được tập huấn cho các lãnh đạo cấp cao. Chỉ có điều, cho đến nay việc thực hiện còn rời rạc, thiếu đồng bộ.