Nhiều trẻ tai biến, tử vong, WHO vẫn khuyến nghị dùng Quinvaxem

16:23, Thứ năm 05/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Theo thống kê, từ tháng 7/2010 đến tháng 4/2013, đã có 43 trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine Quinvaxem, trong đó có 27 trẻ tử vong. Tuy nhiên, đại diện truyền thông của WHO vẫn khẳng định phản ứng sau tiêm vaccine là phổ biến và tiếp tục khuyến nghị dùng Quinvaxem.

Trả lời báo Đất Việt, BS. Kohei Toda, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sỹ Chris de Neubourgh, Trưởng phòng chống còi, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), bà Laura và ông Trịnh Anh Tuấn - là cán bộ truyền thông của WHO đã trình bày quan điểm về  việc tiêm vaccine ở Việt Nam.

Về vấn đề tỷ lệ tử vong liên quan tới tiêm vaccine Quinvaxem ở Việt Nam so với các nước trong khu vực và trung bình thế giới mà WHO ghi nhận, Tiến sỹ Chris de Neubourgh cho biết: "Đầu tiên, cả WHO và UNICEF đều muốn nhắc lại rất rõ ràng là, tất cả những trường hợp tử vong không như mong muốn sau tiêm vaccine đều đã được điều tra, làm rõ trên góc độ toàn cầu. Việc điều tra đó đều được tiến hành sau với mỗi trường hợp tử vong.  

Kết quả và báo cáo điều tra đều đã chỉ ra rất rõ không thấy có một mối liên hệ nào giữa việc sử dụng vaccine (hay do chất lượng vaccine cũng như sử dụng vaccine) có liên hệ tới những trường hợp tử vong đã xảy ra với trẻ em. Kết quả đó đã được đăng tải một cách công khai, chính thống trên trang web của WHO.
 
Điều nữa, rất đáng tiếc nhưng là sự thật, hàng ngày ở VN vẫn có những trẻ em tử vong do những nguyên nhân khác. Tỷ lệ tử vong nhìn thấy sau khi tiêm vaccine Quinvaxem thấp hơn từ 5-10 lần so với tỷ lệ tử vong thông thường."

Đã có 43 trường hợp tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem nhưng WHO chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nhằm nghiên cứu giảm thiểu tai biến sau tiêm
Đã có 43 trường hợp tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem nhưng WHO chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nhằm nghiên cứu giảm thiểu tai biến sau tiêm.

Tiến sỹ Chris de Neubourgh cũng cho biết thêm: "Việc đầu tiên WHO vẫn phải nhắc lại là hiện không có một bằng chứng nào chứng minh có chuyện tử vong liên quan đến vaccine. Khoa học đã chứng minh nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nó lớn hơn rất rất nhiều so với những nguy cơ phản ứng sau tiêm vaccine."

Bên cạnh đó, trước nhiều lo ngại cho rằng vì Quinvaxem không tốt nên bị cấm hoặc không được sử dụng ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, châu Âu, Úc và Nhật, BS. Kohei Toda đã giải thích: "Trước hết việc sử dụng vaccine là tùy thuộc vào lựa chọn và quyết định của từng quốc gia. Có một bắt buộc hoặc thúc ép nào thì buộc phải lựa chọn sử dụng loại vaccine này hoặc  vaccine khác. Tuy nhiên, Quinvaxem là loại vaccine đã được tiền kiểm định về chất lượng rất kỹ lưỡng từ khâu sản xuất đến tất cả các khâu. Quinvaxem đã được công nhận là một trong những loại vaccine tốt nhất. Chính vì vậy Quinvaxem mới được khuyến nghị sử dụng ở các nước, trong đó có Việt Nam."

Để tăng thêm phần thuyết phục, Tiến sỹ Chris de Neubourgh đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể: "Có nhiều bằng chứng và những chứng minh khoa học đã chứng minh vaccine là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng chống các bệnh lây nhiễm và phòng chống bệnh ở trẻ em. Chính phụ huynh nếu ngần ngại không cho con em mình đi tiêm đó sẽ là nguy cơ rất lớn để trẻ em bị nhiễm bệnh.
 
Tôi lấy ví dụ xảy ra ngay tại trên quê hương mình là đất nước Anh. Trước đây, tại Anh, vaccine phòng chống sởi, quai bị… cũng bị đồn là có hại, những thông tin đồn đại không dựa vào bằng chứng khoa học khiến phụ huynh không cho con em mình đi tiêm. Chính những lời đồn đại đó đã khiến cho nhiều trẻ em bị nhiễm sởi và quai bị cũng như để lại di chứng rất nặng nề. Đó chính là hậu quả của những lời đồn đại không có căn cứ."

Mặc dù không phủ nhận một số trường hợp tai biến có liên quan đến việc tiêm Quinvaxem nhưng WHO lại không đưa ra được giải pháp nghiên cứu cụ thể nhằm giảm thiểu tình trạng trên.

Tiến sỹ Chris de Neubourghcho biết: "Hiện nay có tất cả 43 trường hợp bị tai biến dẫn đến tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem. Tất cả đều đã được chia sẻ giữa chính phủ Việt Nam và WHO, những trường hợp này đều được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Và người ta  thấy rằng có 9 trường hợp có thể có những triệu chứng nghi là có liên quan đến vaccine nhưng đó là triệu chứng rất nhẹ. Ngoài ra tất cả những trường hợp tử vong thì không có một bằng chứng nào liên quan tới vaccine gây nên.

Về trách nhiệm của WHO trước thực trạng 21 trẻ em Ấn Độ đã thiệt mạng, Bộ Y tế Việt Nam cũng phải quyết định tạm dừng sử dụng vaccine Quinvaxem vì 12 trẻ em thiệt mạng từ đầu năm 2013. Dễ nhận thấy là tất cả các trường hợp trẻ em thiệt mạng sau khi tiêm vaccine Quinvaxem tại các nước đều có chung kịch bản. Đó là sau khi tiêm Quinvaxem, ở trẻ em xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, khó thở, co giật rồi tử vong. Trong đó, một số nạn nhân nhỏ tuổi có bệnh bẩm sinh nhưng rất nhiều bé trước khi tiêm chủng có sức khỏe tốt.

Ông Trịnh Anh Tuấn cho biết: "WHO chưa bao giờ nói là WHO không liên quan, thông tin ám chỉ vaccine Quinvaxem có liên quan tới việc gây chết trẻ chỉ là một bài báo không phải một báo cáo khoa học."

VN không dừng tiêm Quinvaxem

Theo thống kê, từ tháng 7/2010 đến tháng 4/2013, đã có 43 trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine Quinvaxem, trong đó có 27 trẻ tử vong. Chín trẻ có xảy ra phản ứng do vaccine nhưng đều qua khỏi.

Tuy nhiên tại “Hội thảo với cơ quan báo chí về truyền thông trong công tác tiêm chủng”, GS-TS Nguyễn Trần Hiển - Trưởng ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng cho biết việc thay thế vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng rất khó thực hiện vì kinh phí rất lớn. Hiện có khoảng 90 quốc gia đang sử dụng loại vaccine này.

“Tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm là 0,17/1 triệu, thấp hơn so với loại vaccine tương tự sử dụng trước đó, đặc biệt khi Việt Nam sử dụng tới 4,5 triệu liều Quinvaxem/năm. Khi kinh tế phát triển, chúng ta sẽ thay thế vaccine an toàn hơn nhưng ở thời điểm này thì không có lý do gì để dừng tiêm vaccine Quinvaxem” - ông Hiển nói.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông