Đường xấu, mũ bảo hiểm dỏm gây tai nạn, dân tự chịu

( PHUNUTODAY ) - Do đường xấu anh Định ngã xe đập đầu xuống đất, chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng không giúp anh tránh chấn thương, làm anh Định tử vong tại chỗ vì chấn thương sọ não.

(Đời sống) - Do đường xấu anh Định ngã xe đập đầu xuống đất, chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng không giúp anh tránh chấn thương, làm anh Định tử vong tại chỗ vì chấn thương sọ não.
 
 
Tờ Tuổi trẻ đưa tin, ngày 6/6, trên Quốc lộ 1A - đoạn qua địa bàn phường Quang Trung (TP Phủ Lý, Hà Nam) đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm, làm anh Lại Văn Định (SN 1972, ngụ xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm) tử vong tại chỗ.
 
 
 
Nguyên nhân tai nạn ban đầu được xác định là do đường xấu, bị lượn sóng đã làm anh Định mất lái rồi va chạm với xe tải BKS 30F-3421 chạy cùng chiều… cùng với việc mũ bảo hiểm anh Định sử dụng không đảm bảo chất lượng, khi tai nạn xảy ra đã không bảo vệ được đầu khi va đập xuống đất, làm anh bị chấn thương sọ não, dẫn tới tử vong.
 
Thời gian gần đây, các vụ tai nạn gây chết người do đường xấu diễn ra thường xuyên. Chỉ tính sơ sơ trên mặt báo, từ cuối tháng 2 đến nay đã xảy ra cả chục vụ tai nạn do đường xấu, trong khi trong quý I/2013, Quỹ bảo trì đường bộ đã thu được hơn 1.000 tỷ đồng.
 

Xét về bản chất, phí là số tiền bỏ ra để trả cho dịch vụ được hưởng, và nếu dịch vụ không tương xứng người trả phí có quyền được yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, với phí đường bộ nguyên tắc này đã không được áp dụng. Lãnh đạo ngành giao thông một mực từ chối chi quỹ bảo trì để đền bù tai nạn do đường xấu.

Trong nhiều lần khẳng định với báo chí, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, Quỹ bảo trì đường bộ không có điều khoản chi cho đền bù tai nạn do đường xấu vì đã có bảo hiểm chi trả khi xảy ra tai nạn giao thông. cho nên, khi tai nạn xảy ra các cơ quan bảo hiểm sẽ đền bù cho các phương tiện cũng như đối tượng bị tai nạn, chứ không phải chi Quỹ bảo trì đường bộ.

Nói về các vụ tai nạn liên quan tới đường xấu, vị này cho biết, không dùng quỹ để đền bù, còn tai nạn xảy ra có nhiều nguyên nhân, việc dùng quỹ bảo trì để sửa chữa đường đẹp hơn cũng là mục đích giảm tai nạn.

Còn theo đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, Quỹ bảo trì chỉ chi liên quan tới hạ tầng, bảo trì đường để phương tiện đi lại được êm thuận, xóa điểm đen tai nạn, lắp biển báo… Không phải chi để đền bù tai nạn.

Người dân bị tai nạn do đường xấu không được Quỹ bảo trì đường bộ đền bù đã đành, gặp tai nạn do đội mũ bảo hiểm dởm càng phải tự chịu. Trên thực tế, ở nước ta có tới 4 Bộ cùng tham gia quản lý một cái mũ, gồm Bộ Khoa học - Công nghệ, Công Thương, Công an, Giao thông Vận tải. Các Bộ này cũng đã ký quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
 
Các quy định thì nhiều nhưng rồi mũ giả, kém chất lượng vẫn bán tràn lan trên thị trường, người dân không thể phân biệt được thật – giả ra sao.
 
Ngay như Bộ Tư pháp có lần cũng phải thừa nhận, để phát hiện, phân biệt... các loại mũ bảo hiểm dởm này, ngay cả lực lượng cảnh sát giao thông cũng gặp khó, chưa kể đến người dân.
 
Tại buổi họp diễn ra ở Bộ Công Thương vào cuối tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cũng đã khẳng định, từ ngày 15/4, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm hành vi sản xuất kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm giả. Theo đó, người điều khiển và ngồi trên mô tô, xe gắn máy nếu dùng mũ bảo hiểm giả, không đảm bảo chất lượng, mũ không phải mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt (dù sau đó chính ông Hiệp đã phủ nhận điều này và khẳng định không xử phạt người đội mũ bảo hiểm).
  • Tươi Pháp (Tổng hợp)

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn