Éo le chuyện tình cô gái hiền theo không chàng "người điên"

06:19, Thứ năm 20/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Tình yêu “nổi loạn” của chị không những được xem như cổ tích tình yêu giữa đời thường, mà dân Văn Giáp kể cho nhau nghe như một niềm tự hào của làng về một cô gái sống chết với tình yêu chân thành.

Ở xã Văn Giáp (Thường Tín, Hà Nội) không ai là không biết tới chị Nguyễn Thị Hằng, người mà họ vẫn thường đùa nhau đó là tác giả của “thiên tình sử” một thời làm rúng động làng quê nhỏ bé này. Ấy là khi một cô gái làng đảm đang, hiếu nghĩa bất chấp tất cả, kể cả việc bị gia đình từ mặt để theo không một người điên…


Hai phận đời được trời se duyên

Chị Hằng sinh năm 1967 trong một ngôi nhà đơn sơ, cũ kỹ tại xóm 5, xã Văn Giáp, Thường Tín. Do gia cảnh nghèo túng, ngay từ những ngày còn bé chị đã phải vắt vẻo trên những chiếc xe, trên đôi quang gánh để đi vào nội thành Hà Nội cùng mẹ bán nước mắm mưu sinh. Chính vì vậy chị không được học hành, một chữ cắn làm đôi cũng không biết.

Khi chị sắp tới cái tuổi trăng rằm thì mẹ mất, bố đi thêm bước nữa. Những cơ cực bắt đầu đổ xuống đầu cô bé mồ côi. Bao nhiêu công to việc nhỏ trong gia đình chị đều phải làm hết. Mẹ kế sinh lần lượt hạ sinh hai người con, tuy khi ấy đang thì con gái nhưng trông chị chẳng khác nào một vú nuôi.

Rồi cũng chẳng ai khác ngoài chị nai lưng làm không kể nắng mưa để nuôi các em, nuôi mãi tới khi chúng khôn lớn và có gia đình riêng. Khi đó chị mới giật mình nhìn lại đời mình, sắp sửa đã sang tứ tuần mà vẫn lẻ bóng, đơn côi. Chạnh lòng, tủi phận chị chỉ biết khóc thầm và nức nở gọi tên mẹ.

Sống một mình trong căn nhà rách cũ tạm bợ, bao nhiêu ruộng nương bị mẹ kế thâu tóm hết. Để kiếm sống chị đi làm thuê đủ trăm thứ nghề: nay cày thuê, cuốc mướn, mai lại đi bốc gạch, khi rảnh chị lại đi nhặt rác kiếm sống…

Như duyên trời sắp sẵn, năm 1998, trong một lần đi gặt lúa thuê cho nhà cụ Bùi Thị Nuôi ở dưới Văn Hội, chị tình cờ nhìn thấy con trai cụ - anh Nguyễn Đức Đăng ngồi đăm chiêu trong căn nhà gỗ năm gian. Đôi mắt anh như xoáy sâu vào trí nhớ của chị, đầy ám ảnh.

Vợ chồng chị Hằng và bé Ngọc Anh
Vợ chồng chị Hằng và bé Ngọc Anh

Hỏi về anh, chị được cụ Nuôi cho biết: mọi người thường hay gọi anh là Đăng “điên”, vì thần kinh anh dễ bị kích động, hay đập phá nên người ngoài chẳng ai dám gần. Âu cũng tại chiến tranh, không hy sinh đã là có phúc, còn trở về được như anh là bà đã cảm tạ trời đất lắm rồi.

Người mẹ già ấy nói như muốn khóc: “Nó trước kia lanh lợi, thông minh lắm. Nhưng sau hơn 1 năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia thì bị thương mới không còn minh mẫn như thế, tội thằng bé”.

Ánh mắt anh cùng những giọt nước trong mắt của người mẹ như lay động trái tim chị, người phụ nữ chưa một lần biết đến hương vị tình yêu. Thế là chị lân la hỏi chuyện, anh nhỏ nhẹ đáp lại pha chút ngượng ngùng.

Chị bảo: “Mỗi đêm trong giấc ngủ lại bị giọng nói của anh đánh thức dậy không tài nào chợp mắt, trong lòng tôi cứ cảm thấy bứt rứt, cứ muốn làm một điều gì đó cho anh”.

Có người ác miệng bảo rằng chị bị ma đưa lối, quỷ đưa đường nên từ đó trở đi thường xuyên đi làm qua nhà anh. Dăm bữa nửa tháng lại vào hỏi qua cụ Nuôi rồi ngồi trò chuyện cùng anh vài ba câu, sau đó chị lại vội vã ra về.

Thấy tín hiệu đáng mừng, cụ Nuôi nghĩ mình đang mơ cũng chẳng thể tin nổi là con trai mình còn có người để ý tới, họa chăng phúc nhà bà quá lớn? Gạt đi những giọt nước mắt vì quá hạnh phúc, bà đánh liều nhờ con dâu trưởng hỏi xem chị có đồng ý cưới anh Đăng hay không?

Gái hiền… “nổi loạn”

Được đánh tiếng nhưng trong đầu chị vẫn bộn bề suy nghĩ. Đã cứng tuổi nhưng chị cũng chưa liệt vào hàng gái ế, vì có nhiều người đàn ông tử tế, tỉnh táo vẫn nhờ người mai mối để được xe duyên kết tóc cùng chị. Nhưng chị chưa tìm được người đàn ông nào thực sự yêu thương, sẻ chia cùng mình.

Chuyện đến tai gia đình chị, khỏi phải nói không khí gia đình lúc đó căng thẳng đến thế nào. Mặc dù lâu nay không cưu mang, đếm xỉa đến chị sống chết ra sao, nhưng khi nghe chị được Đăng “điên” hỏi cưới làm vợ, thì với họ đó như là một chuyện động trời, như chị đang bôi tro chát trấu vào mặt họ.

Họ đay nghiến chị, bảo đàn ông con giai đã chết hết rồi sao mà phải đâm đầu vào chỗ ấy… Thế rồi họ ra “tối hậu thư”: Nếu chị cứ nhất định lấy anh, họ sẽ từ con.

Người phụ nữ đã trải qua quá nhiều khổ đau trong cuộc sống lại lặng lẽ khóc. Chị nên đến với anh hay gạt anh sang một bên, ở lại với gia đình – nơi từ lâu họ không còn nhắc tới chị?

Nhưng chị không thể bỏ rơi anh, vì chị cảm thấy cuộc đời anh cần có chị, anh cần chị để xoa dịu những nỗi đau bệnh tật, cần chị chở che.

Nói là làm, ngày chị quyết định về nhà cụ Nuôi làm dâu gia đình chị cũng tề tựu đông đủ, nhưng không phải để đưa chân chị về nhà chồng, mà để từ mặt “đứa con hư hỏng”. Chị khóc thương cho phận mình, nhưng chị không hối hận vì quyết định lựa chọn anh, dẫu tháng ngày phía trước còn muôn vàn đắng cay, cơ cực.

Năm 1999, gia đình cụ Nuôi chính thức làm lễ thành thân cho anh Đăng và chị Hằng. Hôn lễ không tấp nập người xe, không loa đài bàn ghế, chỉ vẻn vẹn vài ba mâm cỗ để báo biến họ hàng, tổ tiên. Đến cái giấy đăng ký kết hôn cũng không có, vì theo luật, một người tâm thần như anh không được cấp giấy đăng ký kết hôn.

Sợ dâu mới buồn tủi cụ Nuôi đành động viên: “Hôm nào hai đứa ra ủy ban, nói khó với cán bộ tư pháp để người ta làm cho cái giấy chứng nhận là vợ, là chồng”. Nghe mẹ chồng nói vậy, chị chỉ cười xòa: “Giấy không quan trọng đâu u, có hay không thì con vẫn làm vợ anh ấy”.

Tuy được gia đình chồng quan tâm, ân cần chia sẻ những khó khăn mà đôi vợ chồng gặp phải nhưng mỗi khi nghĩ tới bố đẻ và mẹ kế, chị vẫn không sao cầm được nước mắt, chỉ mong một ngày nào đó họ nghĩ lại và đừng giận chị nữa.

Khi được hỏi về đứa em dâu của mình, bà Le (vừa là chị dâu, vừa là người mai mối ngày nào) không cầm được nước mắt:

“Cùng làm con dâu trong một nhà tôi biết Hằng khổ hơn tôi rất nhiều. Tôi có gì còn dựa được vào chồng, còn cô ấy thì cứ một thân một mình. Mùa đói đến cô ấy phải đi đào rau má, hái sung về luộc ăn. Nếu không yêu em chồng tôi có lẽ Hằng sẽ không chịu được cái cảnh vất vả ấy”.

Khi anh không lên cơn bệnh, chị còn an tâm đi làm thuê, làm mướn. Những lúc trái gió trở trời anh hết vật vã trên giường lại đi lung tung, đập phá đồ đạc, đánh người…

Có những lần chị chạy theo mệt bở hơi tai, nhỏ to khuyên nhủ mới đưa được anh về nhà, thậm chí có lần chị còn phải xích anh lại dù rất thương anh. Như hiểu được nỗi vất vả, thiệt thòi quá nhiều đường của vợ, anh ngoan ngoãn cho chị chăm sóc, thuốc thang nên bệnh tình có tiến triển tốt.

Mùa quả ngọt

“Là phụ nữ ai chẳng khao khát được làm mẹ, nhưng khi lấy anh ấy tôi chỉ nghĩ sẽ gắn bó đời mình để chăm sóc anh thôi, ai ngờ giời phật thương tình…”

Chị nói khi những vệt nước mắt chảy dài trên má, ấy là khi năm 2000 chị vỡ òa trong hạnh phúc khi thông báo cho gia đình bên nội mình có mang đứa con đầu đời. Cô Rồng nhỏ xinh xắn được chị đặt cho cái tên Nguyễn Thị Hiểu Ly.

Từ ngày có con tuy phải lo toan nhiều hơn cho gánh nặng gia đình nhưng niềm vui trong chị không sao kể siết khi thấy anh chơi đùa, dỗ dành, ru con ngủ, anh ít biểu hiện bệnh hơn hẳn.

Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, sau hai tháng kiêng cữ chị lao vào làm tất cả những việc người ta thuê mướn. Thương tình chị, bà con ai có việc gì cũng phần chị, trả tiền cao hơn vì “số nhà chị ấy khổ”.

Mười năm sau chị sinh tiếp cho anh một bé gái nữa, đặt tên là Nguyễn Thị Ngọc Anh. Mỗi khi bà nội qua chơi thường nói với hai cô công chúa rằng: “Một Rồng, một Hổ để xem nhớn lên các con làm được gì cho bố mẹ nào”. Cả nhà lại cười vang, mái ấm gia đình anh ngày thêm ấm áp và tràn ngập tiếng cười của trẻ.

Được bà con đề xuất, năm 2010 gia đình chị thuộc diện được nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để xóa nhà tạm bợ, mỗi anh em gom góp thêm một chút để chị làm căn nhà kiên cố hơn, không còn lo mưa nắng tới mặt như ngôi nhà tranh xưa cũ. Vật dụng trong nhà được hàng xóm mang tới ủng hộ mỗi người một ít.

Trong ngôi nhà đơn sơ ấy, giờ Hiểu Ly ngày ngày cắp sách tới trường học chữ, tối về dạy em bi bô đánh vần. “Tương lai bọn trẻ phải khác”, chị nói trong khi đôi mắt vừa ánh lên niềm hy vọng, vừa xô lại với những kí ức ấu thơ. Dẫu có khổ tận cam lai, chị sẽ không bao giờ để con nghỉ học.

Người phụ nữ chưa bao giờ sống lấy một giờ cho riêng mình ấy, chỉ biết vắt kiệt sức mình để mong một tương lai tươi sáng cho chồng con.

Tình yêu “nổi loạn” của chị người đời không chê không trách, mà dân Văn Giáp kể cho nhau nghe như một niềm tự hào của làng về một cô gái sống chết với tình yêu chân thành.

  • Kim Thiên

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc