F0 khỏi bệnh có bị tổn thương phổi hay không?

( PHUNUTODAY ) - Theo các chuyên gia y tế, sau khi F0 khỏi bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ gặp phải các hội chứng hậu COVID-19, trong đó có xơ phổi. Đây là chứng bệnh để lại ảnh hưởng nặng nề nhất nên việc phòng ngừa vô cùng quan trọng.

Hậu quả của tình trạng hậu COVID ở người từng bị F0

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc COVID-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bệnh sau khi khỏi COVID-19.

Cũng theo thống kê của WHO, ước tính 10 - 20% bệnh nhân COVID-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh. Giống bệnh cảnh COVID-19 cấp tính, hội chứng COVID kéo dài gây tổn thương và biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan: Hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da, lông... Triệu chứng thường gặp nhất là: Mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi vị, giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

phoi-f0

Không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormon tuyến giáp, giảm độ lọc cầu thận; Rối loạn chức năng hô hấp: Giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; Bất thường hình ảnh học: Xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực, rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim… Trong đó, xơ phổi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Ai nên đi khám hậu COVID-19?

Theo BS Tiến, một số nhóm F0 sau khi khỏi bệnh (âm tính) cần lưu ý vấn đề khám hậu COVID-19 như:

- Nhóm người có bệnh nền (như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá...);

- Nhóm người từ 60 tuổi trở lên bởi họ có nguy cơ có nhiều bệnh đồng mắc chưa khởi phát nhưng sau khi mắc COVID-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn;

- Nhóm người phải nhập viện khi mắc COVID-19 (bị suy hô hấp, phải can thiệp thở oxy trở lên, sốt cao phải nhập viện…).

phoi-f0-2

Vậy sau khỏi COVID-19 khoảng bao lâu thì nên đi khám? Theo BS Tiến, nếu không có triệu chứng quá đặc biệt, sau 1 tháng kết thúc cách ly thì nên tái khám. Trường hợp có triệu chứng hậu COVID-19 thì nên đi sớm hơn để phát hiện sớm.

3 bài tập thở hiệu quả sau COVID-19

BS Tiến và cộng sự thường hướng dẫn những F0 khỏi bệnh gặp vấn đề hô hấp (như khó thở, hụt hơi, thở ngắn...) các bài tập thở hiệu quả.

Đầu tiên là bài mím môi và cơ hoành giúp hồi phục chức năng hô hấp tốt, ổn định tâm lý bệnh nhân. Kỹ thuật của bài tập này tương đồng kỹ thuật trong tập yoga và khí công (hít vào phình bụng lên, thở ra chúm môi hóp bụng lại). Bài tập này giúp bệnh nhân tăng dung lượng hô hấp, đòi hỏi tập trung tâm trí vào nhịp thở từ đó giúp trấn an lo lắng ở bệnh nhân.

Bài 2 là tập thở chủ động theo chu kỳ 4 bước. Ngoài các bước hít thở bình thường, hít thở sâu sử dụng cơ hoành; bước 3 bệnh nhân cần kết hợp chúm môi thở ra hết sức 2-3 lần giúp thông thoáng đường thở, phế quản; bước 4: Kết hợp ho chủ động, khạc đờm…. Bài tập này giúp đối phó tình trạng gắng sức khi bệnh nhân phải leo cầu thang, việc nặng; khai thông đường thở, tống bớt đờm hay dịch cản trở trong đường hô hấp.

Bài 3: Bài tập tăng sức mạnh cơ hô hấp, bác sĩ sẽ liên hệ phục hồi chức năng…

Chúc bạn nhanh chóng phục hồi sức khỏe và giữ vững tinh thần giữa mùa dịch.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link