F0 tại nhà cần làm gì khi xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, lo âu, bất ổn tâm lý?

19:54, Thứ hai 30/08/2021

( PHUNUTODAY ) - Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khi F0 tự cách ly, điều trị tại nhà cần dùng thuốc theo đúng chỉ định. Nếu sốt kéo dài, không hạ nên liên hệ ngay với cơ sở y tế.

Số lượng F0 hiện đang cách ly, điều trị tại nhà đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là do dịch vẫn bùng phát mạnh, chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Vậy khi cách ly tại nhà, f0 cần lưu ý những gì.

Cách xử lý khi có triệu chứng

Hướng dẫn tạm thời chăm sóc F0 tại nhà của Bộ Y tế mới đây đã hướng rất cụ thể những điều cần làm khi bệnh nhân khi có triệu chứng, gặp vấn đề bất ổn về tâm lý…

Cụ thể, khi F0 có những triệu chứng đơn giản như sốt:

- Đối với người lớn: > 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

- Đối với trẻ em: > 38,5 độ C, uống thuốc hạ sốt như Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần.

Lưu ý nếu uống thuốc 2 ngày không đỡ, cần liên lạc thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để xử lý.

Trường hợp F0 xuất hiện triệu chứng ho: dùng thuốc giảm ho theo đơn của bác sĩ. Bên cạnh đó, có thể dùng thêm các vitamin theo đơn thuốc của bác sĩ.

F0 có thể gặp các tình trạng căng thẳng tinh thần như: Sợ hãi và lo lắng về sức khỏe của bản thân và người thân; Thay đổi thói quen ngủ, khó ngủ hoặc khó tập trung; Ăn uống kém, chán ăn; Các bệnh mạn tính trầm trọng hơn như bệnh dạ dày, tim mạch...; Các bệnh tâm thần có thể trầm trọng hơn; Uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác nhiều hơn.

22

Để ứng phó với căng thẳng tinh thần, F0 cần tránh xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức về dịch COVID-19, nhất là trên các mạng xã hội: zalo, facebook, youtube, tiktok...

F0 cần chăm sóc cơ thể và sức khỏe tinh thần của bản thân: Hít thở sâu hoặc thực hành thiền; Cố gắng ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng; Tập thể dục thường xuyên, vừa sức, không thức khuya; Tránh sử dụng rượu/bia, thuốc lá, ma túy, các loại thức ăn nước uống có chất kích thích.

F0 cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn, cố gắng thực hiện một vài hoạt động mà bản thân yêu thích như: đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình, nấu ăn (nếu có thể)...

Bộ Y tế khuyến cáo F0 cần gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày trong nhiều ngày liên tiếp.

Dưới đây là một số lời khuyên khác khi F0 bị căng thẳng:

- Tăng cường giao tiếp, kết nối với những người khác. Tâm sự về những lo lắng.

- Kết nối với các tổ chức cộng đồng hoặc tôn giáo hoặc nhóm diễn đàn xã hội.

- Thừa nhận là việc căng thẳng cũng không sao, không có gì là xấu hổ khi nhờ người khác giúp đỡ.

Đối với trường hợp người cao tuổi có nguy cơ mắc tình trạng nghiêm trọng cao hơn khi mắc COVID-19, cần lưu ý:

- Người cao tuổi và người chăm sóc cần biết theo dõi để phòng tránh nguy cơ diễn biến nặng và cần chuyển cấp cứu kịp thời tại bệnh viện trên địa bàn khi có các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp.

- Thực hiện nếp sống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học.

- Thực hiện chế độ ăn đủ dinh dưỡng (1.700-1.900 Kcal/ngày), cân đối, lành mạnh, nhiều rau xanh. Đảm bảo ăn 3-4 bữa mỗi ngày, nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày.

- Cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bệnh lý và sử dụng thuốc đang điều trị bệnh sẵn có theo chỉ định của bác sĩ điều trị (không bỏ thuốc).

- Tăng cường luyện tập tại phòng cách ly bằng các bài tập phục hồi chức năng, xoa bóp, hỗ trợ tập luyện để nâng cao sức khỏe.

Tăng cường vận động để nâng cao sức khỏe

Theo Bộ Y tế, người nhiễm COVID-19 ngoài chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, cần tập luyện tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe. Tập luyện, vận động trong giai đoạn này giúp:

Giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn.

Tống thải đờm (đàm) với các trường hợp có tăng tiết đờm.

Tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp.

Ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần.

Một số bài tập thở, vận động gồm:

Các bài tập thở.

Vận động tại giường

Bài tập giãn cơ

Bài tập thể lực tăng sức bền

Lưu ý: Trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường: mệt, khó thở hay đau ngực tăng cần dừng tập và theo dõi cơ thể. Nếu các biểu hiện này tăng lên cả khi nghỉ cần báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời

Những việc F0 cách ly, điều trị tại nhà cần làm

Theo hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 (F0) tại nhà do Bộ Y tế ban hành kèm theo quyết định số 4156 cần bố trí người nhiễm phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng, nếu không có thì đánh dấu không gian riêng cho F0.

- Luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác;

- F0 cách ly, điều trị tại nhà không: Ăn uống cùng với người khác; Di chuyển ra khỏi khu vực cách ly; Tiếp xúc gần với người khác…

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có một số lưu ý khác về việc vệ sinh dụng cụ ăn uống của F0 để tránh lây nhiễm như: F0 nên có một bộ đồ ăn riêng, tốt nhất là nên dùng dụng cụ dùng một lần; rửa bát đĩa bằng nước nóng và xà phòng; nên tự rửa bát ở phòng riêng; nếu cần người chăm sóc hỗ trợ thì người chăm sóc phải mang găng khi thu dọn đồ ăn và rửa bát đĩa…

Luôn mở cửa sổ, cửa lối đi khi có thể, nhằm cho không khí luôn được thay đổi; Không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm với các phòng khác; Không để luồng khí thổi từ phòng F0 vào không gian chung; Sử dụng quạt và máy lọc không khí.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Thạch Thảo