Ngày 4/2, tại thành phố Thượng Hải, một nhóm các cô gái trẻ, chưa chồng cùng nhau xuống phố, tay cầm những tấm biển với khẩu hiệu: "Mẹ à, xin đừng giục con kết hôn. Đó là việc của con".
Đây là một trong những hoạt động gần nhất cho thấy ngày càng nhiều cô gái trẻ Trung Quốc không tuân theo những phong tục gia đình truyền thống mà cha mẹ và ông bà họ đã duy trì từ lâu.
Nhiều cô gái ngoài 27 tuổi ở Trung Quốc bị bố mẹ giúp kết hôn. |
Khi dịp Tết Nguyên đán sắp đến gần, ở Trung Quốc, nhiều cô gái đến tuổi lấy chồng nhưng vẫn chưa tìm được ý trung nhân bắt đầu bị bố mẹ ép buộc, thúc giục kết hôn thông qua những cuộc xem mặt càng nhanh càng tốt.
Tại quốc gia châu Á này, nơi kết hôn từ khi còn trẻ từ lâu đã là một nguyên tắc, nhiều cô gái thường cảm thấy áp lực trong chuyện kiếm chồng.
Những năm gần đây, truyền thông trong nước tràn ngập những câu chuyện về các cô gái độc thân ở thành thị, có nền tảng giáo dục tốt và thu nhập cao, nhưng vẫn chưa lấy chồng. Họ được gán với thuật ngữ "shengnu", còn gọi là gái ế.
Mặc dù số lượng đàn ông không thể tìm được bạn đời để kết hôn được cho là một vấn đề lớn của xã hội, câu chuyện về những cô gái ế lại tốn nhiều bút mực hơn của truyền thông, báo chí.
Gái ế thường chỉ những phụ nữ từ 27 tuổi trở lên. Thuật ngữ này được xem là một từ vựng chính thức trong từ điển do Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành năm 2007.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Phụ nữ Trung Quốc (ACWF) thực hiện trên 30.000 đàn ông cho thấy hơn 90% trong số đó nói rằng phụ nữ nên lập gia đình trước 27 tuổi.
Nhóm các cô gái trẻ mang banner xuống đường để phản đối việc bị cha mẹ giục cưới chồng. |
Khi kỳ nghỉ Tết đang đến gần, nhiều thanh niên sẽ trở về quê để đoàn tụ gia đình. Tuy nhiên không chỉ những gương mặt thân quen, công việc bếp núc và các phong tục truyền thống đẹp đẽ chờ đón họ. Trong những buổi sum họp, họ thường xuyên phải đối mặt với những câu hỏi, chẳng hạn như "Thế nào, bao giờ thì con lấy chồng?".