Xã hội ngày càng phát triển, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, mối quan hệ giữa người với người ngày càng phức tạp, vì thế mà con người ngày càng có nhiều người nảy sinh thái độ ganh ghét, đố kỵ.Thái độ đố kỵ là thù ghét những ai hơn mình, những ai được nhiều quyền lợi hơn mình. Khi đi học, ghen ghét với người học giỏi hơn mình, khi đi làm đố kỵ với người giỏi chuyên môn, được tín nhiệm, đạt nhiều danh hiệu, kiếm nhiều tiền hơn mình, có địa vị cao hơn mình. Chính cái khó chịu, bực bội trong lòng ấy là nguyên nhân của sự đố kỵ.
Sự đố kỵ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Người có tính ganh ghét, đố kỵ bao giờ cũng căng thẳng về tinh thần, tổn hại về sức khỏe. Sự đố kỵ phá hoại mối quan hệ giữa người với người.Vì ganh ghét, đố kỵ mà hòa khí bị rạn nứt, sức mạnh đoàn kết của tập thể bị tổn thương.Trong một tập thể chỉ cần có người nẩy sinh lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau, nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát triển.
Nguyên nhân của người có thói đố kỵ là do họ thiếu tự tin, hay mặc cảm, tự ti mà lại sẵn lòng tự cao, tự đại. Có người là do cuộc sống của họ thường xuyên gặp thất bại trong cuộc sống hoặc họ hay có thói quen chỉ trích, đả kích người khác. Hoặc họ luôn có suy nghĩ người khác sung sướng, hạnh phúc, may mắn hơn mình.
Là một người có tính đố kỵ sẽ có rất ít thời gian để nhận ra và hưởng thụ nhiều điều tốt đẹp từ cuộc sống.Chính tinh thần và thể chất của họ bị tổn hại, bị chìm ngập trong các cảm xúc tiêu cực: buồn bực, lo lắng, căm ghét, cảm giác tự ti khiến họ mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Nhà văn Balzac đã từng nói: “Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần.”
Người có tâm lý đố kỵ không những tự giày vò mình, mà còn gây ra những việc không tốt với những người xung quanh.
Dưới đây là 5 dấu hiệu nhận biết người đố kỵ
Khó chịu khi ai đó hơn mình
Một người có lòng hay đố kỵ biểu hiện dễ thấy nhất của họ là luôn khó chịu khi thấy ai đó hơn mình. Khi nghe ai đó có tin vui thì thay vì chúc mừng, họ lại cảm thấy không thoải mái, ganh ghét và tức giận.
Điều này đúng với hầu hết với tâm lý bình thường của con người trong xã hội ngày nay. Ví dụ khi nghe bạn bè hay đồng nghiệp có công việc mới với lương cao hay được thăng chức họ sẽ có suy nghĩ mong muốn điều tồi tệ đến với người đó cho thỏa cơn ganh ghét vì sao ta không bằng họ và sợ họ hơn ta. Thậm chí người ganh tị thường cảm thấy hả hê và vui sướng khi người khác sa cơ hay vấp ngã. Luôn soi mói và so sánh với người khác
Đặc điểm thứ hai của người hay đố kỵ với người khác là luôn sói mói chuyện của người khác. Những người này luôn “ngó nghiêng, ngó dọc” từng hành động và việc làm của người mà họ cảm thấy đố kỵ. Họ cũng thường hay nhòm ngó sự thành đạt, hạnh phúc, nhan sắc của người khác sinh ra lòng tức tối rồi đắm chìm với những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực như buồn bực, lo lắng, căm ghét và cảm giác tự ti . Hơn thế nữa, họ luôn chăm chăm vào những khuyết điểm hay lỗi lầm của người khác để phán xét nhằm giảm giá trị của người đó với mọi người.
Ghen ghét, nói xấu người khác
Vì sự đố kỵ che mắt, họ muốn thấy bản thân tốt đẹp hơn người khác và cũng vì không có lòng thương xót, nên trong nhiều trường hợp họ sẽ đem tật xấu của người khác ra bới móc, lăng mạ, làm trò cười để hả hê lòng ganh ghét của bản thân. Đối với một số người bởi vì lòng đố kỵ làm cho họ mờ lý trí không biết đâu là điểm dừng, để có thể chứng minh mình hơn người hay muốn người khác phải chịu mang tiếng xấu, họ sẽ không tiếc lời thiêu dệt những điều trái sự thật và bêu rếu khắp nơi để làm giảm giá trị và danh dự về người khác.
Không công nhận thành quả của người khác
Đã là một người có lòng ganh tị với người khác, việc công nhận thành quả của người khác là điều khó khăn đối với họ. Cũng có thể nói họ cảm thấy việc chấp nhận thành công, thành tích của người khác đồng nghĩa với việc tự chấp nhận mình thất bại. Vì vậy khi đối mặt với sự thành đạt hay hạnh phúc của người khác, họ sẽ có thái độ khinh thường, phản pháo, thậm chí nói những điều làm mất vui hay làm người khác cảm thấy tổn thương. Người ghen ghét đố kị cũng giống như một người mù, họ không bao giờ nhìn thế giới như nó vốn vậy, thay vào đó, họ bóp méo nó đi.
Không thích kết thân với những người tài giỏi hơn
Những người có lòng đố kỵ sẽ không tiếp cận hay quá thân thiết với những người tài giỏi hơn mình. Trong một số trường hợp, khi phát hiện đồng nghiệp, bạn bè hay người thân của mình có tài năng hay năng lực hơn mình người có lòng đố kỵ sẽ tìm cách xa lánh hoặc nói xấu người đó vì trong tâm hồn và suy nghĩ của họ đã bị sự đố kỵ lắp đầy, họ luôn cảm thấy ganh ghét và muốn ganh đua với người giỏi hơn.