Gặp "lính váy cõng" giữa rừng rậm Phú Yên

12:27, Thứ bảy 22/10/2011

( PHUNUTODAY ) - Khi thấy các chị cự nự từ chối, ông chủ nói thẳng: “Không nghe tao đuổi, tao không trả tiền công mà còn cho tụi bây bơ vơ giữa rừng già, chết sống ráng chịu!”

(Phunutoday) - Những năm trở lại đây, cơn sốt đào đãi, vàng ở Phú Yên lại rộ lên không ngừng với gần chục điểm từ Hòn O, suối Bùn, suối Ea Trol, lòng hồ Buôn Đức (huyện Sông Hinh) đến Hóc Vàng, Hóc Trùm (huyện Sơn Hòa). Mặc dù cơ quan chức năng liên tục mở các đợt truy quét nhưng mỗi tuần vẫn có những tốp người bí mật cắt rừng vào bãi để tìm vận may trong sỏi đá. Trong số đó, ta dễ dàng bắt gặp các phụ nữ với đủ các lứa tuổi, xuất thân, thành phần… và cuộc đời họ là những câu chuyện buồn không có lời kết…

 Lính váy cõng chuyến….   

Để lập nên một “thánh địa vàng”, các chủ bãi không chỉ trang bị những dụng cụ cầm tay thông thường như rựa, dao, mác, cuốc, xẻng mà còn đưa cả máy xay đá quặng, máy phát điện, máy cung cấp khí oxy, hệ thống bơm dẫn nước từ suối lên sườn núi… và tất nhiên là không thể thiếu những phận đời cõng chuyến cho bãi.

Trước đây, họ thường cắt cử lực lượng sử dụng xe máy và cả ô tô tải đánh chuyến từ dưới xuôi lên để tiếp tế đồ ăn, thức uống, chăn gối, mùng mền cho các phu vàng. Cách làm này tuy rất tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian nhưng lại dễ gây sự chú ý theo kiểu “lạy ông tôi ở bụi này” nên các chủ bãi sử dụng lực lượng “lính váy cõng chuyến” (ám chỉ nữ giới làm nghề tải hàng đường rừng).

Lực lượng này chủ yếu là người Kinh và người dân tộc thiểu số sống gần các khu vực đào, đãi vàng. Nhưng tại sao lại là nữ? “Vì nếu là nam thì em đi đào vàng mất rồi, còn đâu mà khuân vác cho mệt thân”, chị Mí Ê Sê, 27 tuổi, ở xã EaCharang, huyện Sơn Hoa, tí tởn trước câu hỏi của tôi. 

 

Vào những ngày đi chuyến, họ phải dậy từ lúc 2 giờ sáng để buộc dây, đóng hàng rồi đợi đến khi tờ mờ sáng thì xuất phát. Để đi đến nơi, họ thường mất thời gian nửa ngày hoặc một ngày tùy theo tốc độ di chuyển và điều kiện thời tiết. Trung bình mỗi người cõng trên lưng gần chục ký đồ dùng, phải vượt qua những “cung đường bầm dập” dài gần 15 cây số đầy những đồi dốc cao ngút ngát nối đến các bãi vàng.

Trên đường đi, họ phải liên tục lách người qua khe đá mà bên dưới là những vực sâu hun hút đến rợn người, phải đối mặt với những cơn mưa rừng lạnh “thấu xương da” và cả những trận lũ quét kinh hoàng “thoắt ẩn thoắt hiện”. Mỗi chuyến hàng đến nơi an toàn, họ được chủ bãi trả tiền công từ 70.000 đến 80.000 đồng/người. Với người dưới xuôi, món tiền kia chẳng bõ bèn gì nhưng với người dân vùng miền sơn cước thì lại rất có giá trị bởi họ khó có thể có được từ tiền củ khoai, củ sắn hằng ngày. 

Sau chuyến cõng hàng mệt mỏi, chị Hờ N (Xã Sơn Phước, Huyện Sơn Hòa) trở về bên gia đình

 Chị Đào Thị Tình, 33 tuổi, một người dân xã Sơn Xuân có thâm niên hơn 4 năm trong nghề, cho biết: “Phận đời “lính cõng chuyến” phải có bàn chân không mỏi, tinh thần vững vàng thì mới trụ được với nghề. Trước đây ở xã tôi có không ít chị em làm nghề này nhưng rồi dăm bữa nửa tháng phải bỏ cuộc do không vượt qua được thử thách của mưa rừng, đường trơn, sương sớm, núi đá, vực sâu”.

Hầu hết những nữ phu cõng chuyến đều là người nghèo có mã số, không nghề nghiệp, ổn định, đất sản xuất để canh tác nên bị cái đói vây bủa từng ngày. Đơn cử như nữ phu Mi Thon, 35 tuổi, ở xã EaCharang, trước đây chuyện kinh tế gia đình đều do người chồng của chị gánh vác.  Tuy nhiên cách đây 2 năm, chồng chị bị bệnh sốt rét mất đi để lại 3 mẹ con chị bơ vơ. Để lo cho cuộc sống gia đình, cứ đôi ba ngày, chị Thon phải còng lưng đi cõng chuyến cho bãi kiếm công...

...Đến những phận má hồng “lặn ngụp” nơi bờ bãi

Muốn vào bãi vàng, chúng tôi đành phải thay đổi trang phục, cuốc bộ hơn năm cây số đường rừng trơn trượt, ẩm ướt, dày đặc những hố nước ngập đến nửa đầu gối kéo dài hàng mét. Len lỏi qua những tàng cây rậm rạp, trước mặt chúng tôi là những lán trại che tạm nằm rải rác, lán trước cách lán sau đến hơn 30 mét vắt ngang rừng sâu. Từ phía xa, tiếng máy thăm dò, máy xúc, đãi gầm rú, tiếng người í ới gọi nhau vang vọng cả một góc rừng. Bước thêm 500 mét, một đại công trường bề bộn hiện ra. 

 

Bên cạnh thành phần nam giới chiếm số lượng áp đảo, vẫn có khoảng hơn chục nữ phu luôn tay đào, đãi cật lực. Họ đều đeo khẩu trang che kín mặt, vận trên người hai ba lớp áo tay dài, quần ống rộng trân mình dưới cái nắng như đổ chàm. Cứ khoảng nửa tiếng, họ lại phải tạm dừng công việc đôi ba giây để vén tay áo vệt vội những giọt mồ hôi vãi ra như tấm. Gương mặt ai đều hốc hác, phờ phạc, đôi mắt đờ đẫn, bước chân liêu xiêu, mất sức sống. Tranh thủ vài phút họ nghỉ tay, tôi tới tấp phỏng vấn: “Chị tên gì” – “Hỏi chi vậy? Ông là ai?”. - “Em mới vào, thấy đàn bà con gái gì mà làm khỏe quá nên mến phục hỏi chơi”. - “Cỡ tui ăn thua gì, ở chỗ tôi ở có một vài chị làm giỏi hơn nhiều”.

Hỏi han được một hồi, chị tiết lộ tên là Nguyễn Thị Tuyết (34 tuổi), quê ở Thái Nguyên. Chị Tuyết cùng 2 người em gái khác ở cùng quê được một người quen cũng là một chủ bãi thuê vào để nấu ăn, giặt giũ cho đám phu thợ. Được một vài hôm, thấy các chị có sức khỏe mà chỉ lo cơm nước thì “quá phí”, ông chủ hầm liền ép các chị ra ngoài bãi để “phụ các ông anh làm cho nhanh”. Khi thấy các chị cự nự từ chối, ông chủ nói thẳng: “Không nghe tao đuổi, tao không trả tiền công mà còn cho tụi bây bơ vơ giữa rừng già, chết sống ráng chịu!”. “Từ xa đến, không biết đường đi lối lại, xung quanh chỉ toàn cây cối, sông suối, núi đồi, đi về sao được… vậy là đành nghe thôi” – chị Tuyết ngậm ngùi. 

Những nữ phu lặn ngụp trong dòng nước bạc

 Từ đó trở đi, ngoài việc bếp núc, giặt giũ, các chị mất thêm vài tiếng đồng hồ xuống sông lọc đất đá, tuyển quặng, đãi vàng như những đấng nam nhi thực thụ. Còn chị Nguyễn Thị Hồng Ngát, 35 tuổi, gặp bệnh cảm nặng, sốt ly bì 30 – 40 độ rồi đến cái hương không quen với “sơn lam chướng khí” cũng ngã bệnh nốt, chỉ còn lại mình Tuyết còn sức khỏe vừa làm việc vừa chăm sóc cho hai em. Chị Nguyễn Thị Hương, 27 tuổi, chia sẻ: “Nhìn chung đời sống của những cô gái nơi bãi vàng rất cơ cực,  vất vả bởi ở đây điều kiện ăn ở rất thiếu thốn thường chỉ có cơm với cá khô và muối, hôm nào gặp may còn có canh rau rừng chấm mắm, ngán thì mì tôm đổi bữa".

Ban ngày thì nắng rát, tối đến lại bị muỗi tấn công và hầu như không có nước sạch. Vào lán bên cạnh, chúng tôi gặp chị Trần Thị Thủy, quê ở Hương Giang (Thừa Thiên Huế). Khi được hỏi về gia cảnh, chị Thủy nức nở trong tủi hờn: "Thân mang kiếp phu vàng cơ cực quá anh ơi. Tiền vàng chưa thấy đâu chỉ thấy bạc mặt vì đói khổ, bệnh tật. Hồi còn sức em làm quần quật suốt ngày. Sau trận bệnh liệt giường gần một tuần, em chẳng còn có thể làm được như cũ”.  Với những người phụ nữ làm nghề này, miệng lở, mắt loét, chân, tay bị nước ăn, là điều bình thường. Còn đứt tay, chảy máu, cảm sốt do dầm mưa là chuyện "cơm bữa".

Nhưng không đâu bằng sự biến đổi của chính con người bởi ở cái nơi mà sức khỏe luôn được đề cao, được xem là chìa khóa cho sự sinh tồn thì để không quá thiệt thòi, họ thường xuyên phải “phùng mang trợn má”, đốp chát với những người đàn ông xung quanh. Làm ở đây, mỗi tháng được 1,5 triệu đồng, nhưng không được nhận theo tháng mà đến cuối năm mới được trả một lần.

  • Lưu Tình
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc