Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, giá sữa không phải là “con ngựa bất kham”, chỉ là năng lực quản lý của ta bất cập, buông lỏng và sự phối hợp các cơ quan chưa tốt, cũng không loại trừ tác động của lợi ích cá nhân.
Có dấu hiệu các nhà sản xuất sữa lừa đảo người dùng |
Từ 1/3, giá sữa sẽ tiếp tục được các hãng sản xuất điều chỉnh tăng, với sữa ngoại mức tăng khoảng 10%, sữa nội tăng khoảng 7% so với giá trước đó. Lâu nay, câu chuyện giá sữa đã được nói tới rất nhiều, nhưng cơ quan quản lý giá đã tỏ ra “bất lực”, “bó tay”, với thuật ngữ so sánh “giá sữa như con ngựa bất kham”. Thực tế có phải vậy? Chúng tôi có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long về vấn đề này.
PV: - Theo ông hiện nay có những yếu tố chính nào cấu thành giá sữa?
Chuyên gia Ngô Trí Long: Có 3 yếu tố chủ đạo chi phối giá sữa thành phẩm, gồm giá nguyên liệu nhập khẩu, chi phí hoạt động (lương nhân viên, phân phối…), lợi nhuận định mức.
Hiện nay giá sữa thế giới có tăng, nhưng không tăng tương xứng với giá tăng của các hãng sữa trong nước.
Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhưng giá sữa lại thuộc hàng cao nhất thế giới. |
Thực tế bấy lâu, giá sữa tại Việt Nam luôn cao hơn giá sữa thế giới, bình quân hiện nay của nước ta là khoảng 1,4 USD/lít, Trung Quốc chỉ 1,1 USD/lít, Ấn Độ là 0,5 USD/lít, Âu - Mỹ 0,5-0,9 USD/lít… So với các nước mình là cao nhất, trong khi thu nhập của người dân lại ở mức thấp.
Qua tính toán, khảo sát của các nhà nghiên cứu và một số cơ quan thấy rằng giá bán sữa ở nước ta đang gấp đôi giá vốn, chủ yếu cao là ở khâu chiết khấu, tiếp thị, quảng cáo, tiền lương và một số chi phí khác... Ngoài ra, không loại trừ có sự chuyển giá trong giá sữa.
Cho nên, hiện nay việc quản lý giá sữa người ta nói rằng cơ quan quản lý đang bó tay, bất lực và có sự buông lỏng.
PV: - Theo ông, những chi phí nào là bất hợp lý nhất và tại sao?
Chuyên gia Ngô Trí Long: Đó là tiền lương quá cao, chiết khấu quá lớn, tiếp thị và quảng cáo quá nhiều.
Từ đầu năm 2012 tới nay, Bộ Tài chính đã ra 6, 7 văn bản quản lý giá sữa, nhưng tất cả đều không đi vào cuộc sống, đề ra nhưng thực thi không đến nới đến chốn.
Chẳng hạn, bảo kiểm tra và đánh giá mức hợp lý giữa tỷ lệ tăng hoặc giảm với tỉ lệ tăng giá bán; theo dõi việc kê khai nộp thuế; hoặc căn cứ vào mức giá do Cục Quản lý Giá cung cấp, kiểm tra, giám át việc nộp thuế của doanh nghiệp...nhưng những vấn đề như vậy đâu có thực thi.
Nói một cách khác, việc quản lý giá sữa hình như cơ quan quản lý nhà nước đã “bó tay”.
PV: - Theo ông đâu là nguyên nhân của thực tế đó?
Chuyên gia Ngô Trí Long: Giá sữa không phải là “con ngựa bất kham”, chỉ là do trình độ và năng lực quản lý còn hạn chế, sự buông lỏng quản lý nên dẫn tới việc đó. Sữa không phải là mặt hàng nhà nước định giá, mà đây là loại hàng hóa nằm trong diện bình ổn. Do vậy, cần có những biện pháp quản lý giá phù hợp với nó, để tránh sự bất ổn về giá có ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Thực chất có biểu hiện của các liên doanh, các hãng sữa ngoại bắt tay với nhau nhưng hết sức tinh vi và kín đáo để đồng loạt tăng giá, khi sữa ngoại tăng thì sữa nội cũng “tát nước theo mưa”, tội gì không tăng, mục đích của doanh nghiệp là lợi nhuận. Theo quy định, mỗi lần tăng chỉ được tăng không quá bao nhiêu phần trăm, nằm trong biên độ nhất định. Lợi dung quy định này, họ đã lách và chia nhỏ để tăng dưới mức đó, chia thành nhiều lần tăng, và tổng lại vẫn là tăng cao.
PV: - Theo trả lời của Cục quản lý giá - Bộ Tài chính, sữa hiện nay đăng ký nhập về là “thực phẩm bổ sung” không phải sữa, nên không phải kê khai giá bán, chỉ cần thông báo giá với Cục. Trong khi, theo chỉ tiêu của Cục An toàn thực phẩm, sản phẩm chỉ được gọi là sữa khi có độ đạm trên 34%, trong khi hầu hết sản phẩm hiện nay không đạt được độ đạm như thế. Giấy tờ là “thực phẩm bổ sung” nhưng nhãn mác và quản cáo lại ghi là “sữa”, phải chăng đang có sự “nhập nhèm” để doanh nghiệp lách luật?
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long. |
Chuyên gia Ngô Trí Long: Chính đấy là điểm để doanh nghiệp lách luật. Cục quản lý giá - Bộ Tài chính phải quản lý giá đi sát với chất lượng; Cục Quản lý thị tường - Bộ Công thương phải quản lý nhãn mác có đúng với đăng ký không; Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế phải vào cuộc về hàm lượng, chất lượng thế nào.
Cùng lúc 3 Bộ trên đều buông lỏng, chưa phối hợp, mỗi ông một mảng, chưa phối hợp và thống nhất với nhau, mỗi cơ quan làm riêng theo chức phận của minh. Song chức phận của từng cơ quan cũng chưa được làm trọn vẹn, thậm chí còn chưa định ra những tiêu chí rõ ràng về nội dung minh quản lý, đấy là cái đáng báo động hiện nay.
Nên nói bó tay hay bất kham đều không đúng, chỉ là năng lực, buông lỏng, phối hợp không tốt. Mẫu chuẩn độ đạm của thế giới đã có (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex khuyến cáo sữa bột cho trẻ tỉ lệ đạm dao động 11-18% là đạt - PV), sao ta lại phải đòi hỏi quá cao tới mức không thực tế như thế.
Chưa kể, là các doanh nghiệp còn “đi đêm” với các cơ quan chức năng nữa. Chỉ vì lợi ích cá nhân mà để cho cả một cộng đồng phải gánh chịu, đặc biệt mặt hàng sữa là phục vụ trẻ em, người già, ốm đau nên người ta không tính toán, coi như là thứ không thể thiếu, giá nào cũng phải mua, đắt mấy cũng mua. Lại còn tâm lý nghĩ rằng càng đắt chất lượng càng tốt.
Tất cả đổ đầu người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng trẻ em, người giá và người bênh
PV: – Ông có đề xuất gì để quản lý và thay đổi thực trạng trên?
Chuyên gia Ngô Trí Long: Sữa là mặt hàng nhập khẩu, có thể dùng 2 công cụ, đó là giá và thuế. Xây dựng nguyên tắc xác định cơ cấu giá thành đầy đủ và chính để đảm bảo tính hợp lý, để hình thành giá bán. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá các mặt hàng sữa tại các cơ sở đại lý. Cần tìm biện pháp tiết giảm ở khâu chi phí chiết khấu giữa doanh nghiệp và đại lý, cắt bớt các khâu trung gian, quản lý mức chiêt chấu đó... Có thể một số biện pháp khác nữa. Cùng với đó là xem có sự chuyển giá hay không?
Để quản lý, nhà nước có thể dùng một số công cụ như thuế, nếu thu nhập doanh nghiệp của anh quá cao tôi sẽ thu lại qua thế thu nhập doanh nghiệp...
Và đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan vì lợi ích chung xã hội.
PV: - Xin cảm ơn ông!
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay số bò sữa trên cả nước khoảng 163.000 con. Tập trung chủ yếu ở TP. HCM (73.000 con); Nghệ An (25.000 con); Sơn La (10.000 con); Hà Nội (10.000 con)… Mỗi con bò một ngày cho từ 11 - 16 lít sữa (tùy giống bò). Theo tính toán của thế giới, mỗi người một năm cần khoảng 103 lít sữa/người/năm, tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam bình quân mới chỉ đạt 17 lít sữa/người/năm, trong đó nguồn sữa trong nước chỉ đáp ứng được 4,5 lít/người/năm, phần còn lại (12,5 lít) là phải nhập khẩu, chủ yếu là sữa bột hoàn nguyên. Thế giới không uống sữa hoàn nguyên, chỉ uống sữa tươi. Sữa tự sản xuất được chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sữa tươi và sữa chua. Sữa bột và một số loại sữa nước là dùng sữa bột nhập khẩu. Giá sữa nguyên liệu trong nước hiện nay bình quân khoảng 12.000 đồng/lít, người chăn nuôi được lãi khoảng 3.000 đồng/lít. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên rằng, dù người lớn hay trẻ em nên uống sữa tươi sẽ tốt hơn sữa bột. Nhưng phải cho uống từ từ, để cơ thể sản sinh men tiêu hóa, vì có khoảng 6% số người trên thế giới không có men tiêu hóa sữa, dễ bị đi ngoài, nên phải tập dần. |
- Lê Việt (thực hiện)
[links()]