Giẫm phải gai cũng ra nước ngoài chữa bệnh là do..."tư vấn ngoại"?

08:04, Thứ năm 27/10/2011

( PHUNUTODAY ) - Nhiều bệnh nhân “giẫm phải gai mồng tơi” cũng chạy ra nước ngoài chữa bệnh, cuối cùng tiêu tốn quá nhiều tiền mà vẫn phải về Việt Nam chữa lại.

[links()]
Bác sĩ Việt Nam đâu có kém cạnh gì nước bạn?

Trước làn sóng một tầng lớp người Việt Nam “nghiện” ra nước ngoài khám, chữa bệnh nhưng lại rước thêm bệnh tật vì nhiều trở ngại nơi xứ người. Trong khi đó khoản tiền mang đi chữa bệnh ở nước ngoài lên đến hơn tỷ USD/năm. Một số người nhìn vào khoản tiền đó cảm thấy tiếc cho ngành y tế Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều bác sĩ của Việt Nam khẳng định tay nghề, trình độ chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam không kém cạnh gì so với các nước trong khu vực.

PGS – TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định với chúng tôi như vậy. Thực tế, đối với các chuyên môn như phẫu thuật nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam có nhiều kinh nghiệm hơn. Một số học viên của các nước bạn vẫn phải sang nước ta để học thêm. Khi được các bác sĩ Việt Nam giảng dạy họ rất tâm đắc và thán phục. Thậm chí có nhiều học viên còn giới thiệu bạn bè, đồng nghiệp của họ sang Việt Nam học thêm chuyên môn.
Trình độ phẫu thuật của bác sĩ Việt Nam không kém các bác sĩ trong khu vực
Trình độ phẫu thuật của bác sĩ Việt Nam không kém các bác sĩ trong khu vực

PGS Tiến cho rằng tâm lý sính ngoại thì không nên chê trách họ nhưng cũng tùy từng trường hợp bệnh như thế nào mới ra nước ngoài. Nếu các bác sĩ Việt Nam tư vấn không thể điều trị được ở Việt Nam, và ở nước ngoài có thể điều trị được thì họ sẽ giới thiệu bệnh nhân ra nước ngoài.

“Đối với bệnh nhân bị ung thư, phát hiện ở giai đoạn đầu nếu nước ngoài điều trị được thì Việt Nam cũng điều trị được. Nhưng một số bệnh nhân bị ung thư phát hiện quá muộn nên không thể trị được họ lại chạy ra nước ngoài chữa. Tôi chưa thấy trường hợp nào bị ung thư mà lại chữa thành công mĩ mãn ở nước ngoài cả. Tất cả bệnh nhân đó đều tử vong dù cố gắng chạy chữa” – ông Tiến cho biết.

Còn PGS TS Nguyễn Tiến Quyết (Giám đốc Bệnh viện Việt Đức) cũng cho rằng không chỉ trong lĩnh vực ngoại khoa, mà tất cả các lĩnh vực y tế khác như tim mạch, điều trị ung bướu… thì Việt Nam cũng được bạn bè thế giới nhìn nhận. Vì với một điều kiện vật chất hạn chế hơn rất nhiều, nhưng hầu như tất cả các kỹ thuật điều trị Việt Nam đều sánh ngang với các nước ở trong khu vực.

Chữa bệnh ở nước ngoài không có “bảo hành”

Nói đến chế độ chăm sóc, “bảo hành” sau điều trị thì đối với các bệnh viện nước ngoài đều không có. PGS Tiến lấy ví dụ về một trường hợp bệnh nhân đã điều trị trong Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Bệnh nhân này trước đó mổ sinh tại Singapore. Vì một lý do nào đó mà bệnh nhân này đã bị tổn thương hai niệu quản.

Khi về đến Việt nam, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để khám và điều trị. Khi biết được bệnh nhân đã mổ đẻ bên Singapore, bệnh viện đã liên hệ lại với bệnh viện bên đó. Họ đồng ý nhận mổ lại cho bệnh nhân này nhưng khi đề cập đến chi phí thì người ta lấy còn đắt hơn ca mổ ban đầu.
PGS, TS Nguyễn Viết Tiến. Ảnh Bee.net.vn
PGS, TS Nguyễn Viết Tiến. 

Nếu đối với trường hợp của bệnh nhân này, điều trị ở Việt Nam, bệnh nhân sẽ được mổ lại miễn phí. Về sau, bệnh nhân được tư vấn và chuyển sang Bệnh viện Việt Đức để mổ nối hai niệu quản với chi phí chỉ bằng 1/100 so với ở Singapore.

Không những thế, điều trị ở nước ngoài bệnh nhân còn gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ. Thực tế, một số bệnh nhân hiếm muộn làm thụ tinh trong nước không thành công lại chạy ra nước ngoài để làm. Sau nhiều lần làm ở nước ngoài không xong họ đành quay về Việt nam làm lại.

“Trong trường hợp, người dân có điều kiện, muốn ra nước ngoài du lịch và tiện thể khám bệnh thì cũng nên ủng hộ họ. Nhưng nếu vì nghe những lời quảng cáo của các bệnh viện nước ngoài mà mang tiền sang đó chữa bệnh thì không nên” PSG Tiến chia sẻ.

Có thể bệnh lý này không mổ được nhưng trong nước có nhiều bác sĩ giỏi họ vẫn mổ được. Người bệnh có ý định ra nước ngoài chữa thì cần phải xin tư vấn của các bác sĩ Việt Nam trước, thay vì đến các văn phòng đại diện bệnh viện nước ngoài ở Việt Nam.
  • Hiếu Ngọc
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc