Những vệt nắng cuối mùa vội tắt cũng là lúc những phạm nhân nơi trại giam lần lượt được các cán bộ cho nhập trại. Khuôn mặt trễ nải, những giọt mồ hôi vẫn rịn trên khuôn mặt gầy gò của nam phạm Lý Thành May. Khi được chúng tôi hỏi về lý do May phải vào đây cải tạo, bỗng dưng anh ta cúi gằm mặt. May bắt đầu câu chuyện với giọng trầm buồn. May vốn là đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã không biết cha mẹ đẻ mình là ai.
Chỉ biết rằng, người nuôi dưỡng cậu ta không phải là cha mẹ đẻ. Nhưng cuộc sống của May thật may mắn khi cha mẹ nuôi đã hết lòng nuôi dưỡng, tạo mọi điều kiện để cậu không phải thua kém bạn bè. Nhưng không thấy đó là điều may mắn còn đọng lại trong cuộc đời mình mà ngay từ khi còn nhỏ, cậu ta đã chơi bời lêu lổng.
Rồi cố gắng lắm, May mới học hết lớp 3. Nghỉ ở nhà, cậu gắn cuộc đời mình với núi rừng và cỏ cây. Chính vì vậy, ngoài lúc lên nương làm rẫy, May chỉ lấy rượu làm bầu bạn. Biết chuyện, bố mẹ nuôi của May khuyên giải nhưng cậu ta vẫn chứng nào tật ấy.
Đến năm 18 tuổi, cũng là lúc duyên phận đưa đẩy cho May gặp người con gái Hà Thị Nồm, người phụ nữ bằng tuổi ở ngay bản bên. Thời ấy, chị Nồm không đẹp nhưng cũng sở hữu những nét mặn mà, đằm thắm của cô gái bản. Thương cho cuộc sống thiếu thốn tình cảm của May, chị Nồm đã gật đầu đồng ý về làm vợ anh ta. Sau ngày cưới, chị Nồm hạ sinh một bé trai kháu khỉnh và ba năm sau sinh thêm một bé gái vào năm 2004.
Có hai đứa con khỏe mạnh, khôi ngô, có đủ cả nếp lẫn tẻ, những tưởng rằng May sẽ lấy đó là động lực để sống, để vun đắp cho cái gia đình nhỏ ấy. Nhưng trái với những mong mỏi, từ khi vợ May sinh đứa con gái thứ hai, không hiểu sao May đổi tâm tính hoàn toàn. Anh ta không phụ vợ việc chăm sóc con cái và lên nương làm rẫy mà ngày đêm vùi mình vào những chầu rượu bản. Người vợ tần tảo sớm hôm khuyên bảo May như thế nào anh ta cũng không nghe. Càng khuyên, anh ta càng dấn sâu hơn vào những cơn say.
Không những vậy, mỗi lần đi uống rượu về, May đều nổi cơn “điên” lôi vợ ra đánh đập, đập phá đồ đạc trong nhà.
Ngày 10-3-2008, khi đi uống rượu ở một đám cưới trong bản, May khật khưỡng trở về nhà khi trời đã tối mịt mù. Biết chồng trong người đang có hơi men nên vợ May chỉ bảo chồng lên giường nghỉ ngơi tránh gió máy. Chỉ có như vậy thôi, thế mà May đã lao vào túm tóc vợ đập mạnh xuống sàn nhà. Rất may, chị Nồm tránh được và chạy thoát ra ngoài. Nhưng May vẫn không dừng lại mà tiếp tục lôi đồ đạc trong nhà ra đập. Đập chán, anh ta mang hung khí ra ngoài tìm vợ. Nhưng vì sợ chồng đánh đập dã man nên chị Nồm đã lánh tạm ở nhà người dân.
Tuy nhiên, khi không tìm thấy vợ anh ta đã dùng hung khí đập phá tất cả những gì mà May gặp khi đi tìm vợ. Lần đó, May đã bị chính quyền địa phương xử phạt cảnh cáo về hành vi “Gây rối trật tự công cộng.” Nhưng chỉ 10 ngày sau, anh ta tiếp tục lặp lại với hành vi tương tự và tiếp tục bị UBND xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn xử phạt cảnh cáo. Nhưng rồi chỉ được ít tháng, đến ngày 19-5-2008, anh ta đã đi làm hộ công trình dựng nhà bên bản bên, được gia chủ mời cơm uống rượu, May lại say xỉn và gây sự với những người làm công của gia đình này.
Biết gặp phải “ma men” nên tất cả những người có mặt ở nơi đó đã né tránh. Được thể lấn tới, May lôi hết đồ đạc của gia đình người bạn ra đập phá và còn thách thức nếu ai dám vào can ngăn sẽ đập chết. Cực chẳng đã, những người dân sống quanh đây lại phải một lần nữa báo chính quyền địa phương để ngăn chặn.
Chỉ đến khi lực lượng chức năng xuống bản, áp tải May về trụ sở thì hắn ta mới ngừng la ó, đập phá. Lần này, quá tam ba bận, UBND xã Hải Yến, huyện Cao Lộc đã ra quyết định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Quá tam bốn bận thì… vào tù!
Tưởng rằng, có biện pháp mạnh của các cấp chính quyền, May sẽ tu tỉnh để làm ăn, giúp đỡ vợ con. Nào ngờ, không bao lâu sau, anh ta lại chứng nào tật ấy. Nhiều lần, May cứ rượu về là lôi vợ ra đánh, thậm chí những đứa con của May còn quá nhỏ nhưng anh ta cũng không biết nâng niu mà còn lớn tiếng, đánh đập những đứa trẻ vô tội. Chị Nồm xót con mà không biết phải làm gì cho con bớt khổ, chỉ cố gắng nín nhịn và né tránh người chồng, người cha nát rượu.
Đến 18h ngày 4-10-2008, Lý Thành May đi uống rượu về. Lúc ấy, chị Nồm đang nấu cơm trong bếp và có hỏi: “Sao không đi chơi đâu, tối hãy về?”. Trong người đang sẵn hơi men lại nghe vợ nói như vậy, May nổi cơn thịnh nộ, cầm chiếc đèn pin trong tay đập một nhát trúng đầu vợ. Khi thấy chiếc đèn pin rơi, May tiếp tục túm tóc vợ rồi dùng gậy dựng trong bếp đập liên tiếp vào đầu người phụ nữ yếu ớt. Đau đớn và quá hoảng sợ nhưng chị Nồm vẫn gắng vùng chạy ra ngoài để lánh nạn.
Thấy vợ chạy, May tiếp tục cầm con dao dài khoảng 30cm đuổi theo. Tuy nhiên, đuổi một đoạn, May chạy không kịp nên anh ta trở về nhà bắt mẹ là bà Lý Thị Pét cùng hai con là cháu Lý Xuân Dưng (SN 2001) và cháu Lý Thị Minh Yến (SN 2004) phải đi tìm con dâu và mẹ về, nếu không anh ta sẽ xuống tay giết chết cả nhà.
Vừa nói, May vừa tiếp tục vác dao ra khỏi nhà đi tìm vợ. Lúc này, cháu Lý Thị Minh Yến là con gái thứ hai của May có ôm chân xin bố đừng tìm và hành hạ mẹ nữa. Đang trong cơn hăng máu, vì không tìm được vợ lại bị con ngáng đường, May đã nhẫn tâm gạt cháu Yến ra và dùng dao đâm liên tiếp vào vùng lưng cháu bé. Khi cháu bé gục xuống, May cũng không tha, vẫn tiếp tục dùng dao đâm tiếp vào phần mông cháu.
Gây án xong, May lạnh lùng để cháu bé ngoài đường rồi đi về nhà và vứt con dao gây án ngay trước cửa vườn trong gia đình. Nghe thấy tiếng khóc thất thanh của cháu bé, người dân vội chạy đến và đưa cháu Yến đi cấp cứu. Còn anh ta bị cơ quan CA bắt ngay sau đó. Rất may, do được cấp cứu kịp thời, cháu Yến đã qua cơn nguy kịch và đã bị tổn thương trên 50% sức khỏe.
Ngày đưa người cha nhẫn tâm ra trước vành móng ngựa, do sức khỏe cháu bé còn quá yếu nên không thể dự phiên tòa được. Nhưng chị Hà Thị Nồm vợ May thì đắng lòng khi nhìn thấy chồng. Đặc biệt, lúc nghe HĐXX xét hỏi về hành vi gây ra tội lỗi của May đối với vợ, với con khiến cho người đàn bà chịu thương chịu khó này đắng chát, nước mắt không ngừng rơi.
Chị Nồm bảo rằng chẳng ai vạch áo cho người xem lưng cả nên nhìn thấy chồng đối mặt với mức án cao của pháp luật, chị cũng đau đớn lắm. Nhưng hành vi của May thì không thể chấp nhận được, bởi người ta nói: “Hổ dữ cũng không ăn thịt con, huống chi con người”, nhưng mà May còn ác hơn cả hổ dữ, còn không phân biệt được đâu là máu mủ của mình để rồi phải đối mặt với sự dằn vặt, với nỗi cô đơn trong chốn lao tù.
Chị bảo rằng, hôm nhìn thấy con với những vết thương rỉ máu, lòng chị đau như cắt, không nói nổi thành lời. Nhưng ơn trời đã cho con chị một con đường sống, chứ nếu không, cuộc đời chị sẽ không biết trôi đi đâu về đâu. Nhưng hiện sức khỏe của cháu vẫn rất yếu, mỗi lần trái gió, trở trời, vết thương cũ của cháu bé lại tấy lên khiến cho lòng người mẹ như chị thắt lại.
Xét thấy, hành vi của Lý Thành May không thể chấp nhận nổi, mặc dù đã có tới ba tiền sự về hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng anh ta vẫn không thay đổi tâm tính, vẫn lớn tiếng đánh chửi vợ con. Hành vi của May còn tàn nhẫn khi xuống tay với chính người con ruột của mình và người vợ từng một thời thương yêu. Chính vì vậy, TAND huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã tuyên phạt Lý Thành May 7 năm tù.
Mức án không cao nhưng cũng không phải là thấp đối với May. Nó đủ để làm cho lương tâm của người cha, người chồng như May thức tỉnh. Hôm gặp tôi tại trại giam, May có vẻ hổ thẹn khi kể về quá khứ, kể về những ngày tháng còn tự do mà không biết trân trọng nó và chỉ vùi mình vào rượu. May bảo, điều ấy đã khiến cho anh ta quá ân hận và xót xa.
Bởi, mặc dù đã không biết bao lần, May nổi cơn say rồi hành hạ vợ, hành hạ máu mủ của mình, những đứa trẻ vô tội, nhưng từ khi vào trại giam cũng lại một tay vợ May lên thăm, tiếp tế cho chồng. Nhìn dáng người hao gầy, xanh xao của vợ vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo nắng và gió để đến thăm gặp đã khiến cho người chồng, người cha tội lỗi như May thức tỉnh. Nếu như cho thời gian quay ngược lại, May bảo mình sẽ không bao giờ làm như thế…
Bảo Nam