Hà Nội: Người dân mong mỏi được an cư khi tường vẫn nứt

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - 10 hộ gia đình, 30 nhân khẩu đã phải di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm khi nền đất bị sụt lún, các vết nứt tấn công sâu rộng vào các bức tượng và góc nhà.

Chiều ngày 10/4, trao đổi với báo Phunutoday, ông Nguyễn Phú Thành (Chủ tịch UBND xã Yên Sơn - Quốc Oai) cho biết: "Chiều hôm nay cán bộ Sở Tài nguyên và  Môi trường đã xuống khu vực bị sụt lún và nứt để kiểm tra và xác định nguyên nhân. Chúng tôi cũng đã cử người xuống để huy động người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm và lập chốt bảo vệ cấm đi vào khu vực này. Theo báo cáo thì việc sụt lún này bắt nguồn từ việc gia đình anh Cương khoan giếng, khi ép nước đến độ sâu 52m thì bất ngờ bị sụt và nứt chỗ giếng khoan và lan sang các nhà bênh cạnh. Trước đó, khi bắt đầu khoan đã có hiện tượng rung lắc".

Ông Thành cũng cho biết thêm, Dựa vào kết quả kiểm tra hiện trường và xác định nguyên nhân dẫn đến vụ việc, UBND xã sẽ có kiến nghị hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng sớm ổn định được chỗ ăn ở.

Trước đó, vào khoảng 11h ngày 4/4 tại đội 6 thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Gia đình anh Cương đang khoan giếng, khi tới độ sâu hơn 52m thì không thể khoan được nữa và xuất hiện hiện tượng rung lắc. Lúc này, bất ngờ các khu vực giếng khoan bị sụt lún kéo theo các vết nứt và lan nhanh ra các đường bê tông và bức tường của các nhà hàng xóm. Cứ mỗi thời điểm khác nhau, các vết nứt lại chạy theo các hướng khác nhau.

Sau nhiều ngày xảy ra hiện tượng này, đến ngày 10/4, các vết nứt đã tấn công vào các tường đá, sân và các tường nhà của các hộ dân xung quanh. Việc sụp đổ nhà có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Việc di dời dân đã được chính quyền xã triển khai, 10 hộ gia đình, 30 nhân khẩu đã được di chuyển.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, vẫn còn một số người dân ở lại trong nhà để trông coi tài sản và sống qua ngày trong tình trạng nguy hiểm. Thậm chí, họ đã căng bạt để ăn, ngủ ngoài sân. Họ vẫn đang chờ sự can thiệp thường xuyên hơn nữa của UBND xã và các cơ quan chức năng để được sớm ổn định chỗ ở và có thể sớm làm việc trong sự yên tâm.

Khu vực giếng khoan - nơi bắt nguồn sụt lún và nứt.

Các bức tường bằng của nhà bà Phùng Thị Tý (nhà đối diện giếng khoan) bị đổ sập.

Khung sắt cổng tường cũng bị nghiêng ngả buộc người dân phải tháo dỡ tránh nguy hiểm khi sập xuống.

Đoạn đường bê tông dài 20m cũng bị sụt lún. Từ đường phẳng trở thành đường sóng lượn.

Các vết nứt "chân rết" chạy thẳng vào các nhà hàng xóm. Có tới 10 hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Các vết nứt chạy theo nhiều hướng. Mỗi ngày các vết nứt lại thay đổi khiến cho người dân luôn phải đối mặt với nguy hiểm.

Tường rào bị bẻ gãy, các thanh chắn bị nhấc lộ ra khe hở vài cm. Chỉ cần đụng nhẹ là các thanh chắn này bị gãy hoặc rơi ra ngoài.

Vết nứt tấn công các miếng gạch lát theo đường zích zắc.

Một số viên gạch bị bấng lên do sụt lún mạnh.

t

Gia đình bà Nguyễn Thị Vị bị ảnh hưởng nặng nhất. Toàn bộ các bức tường bị nứt, nhiều khe hở rộng và dài.

Ngay cả phòng ngủ tầng 2 của nhà bà Vị cũng bị nứt nghiêm trọng.

Góc tường bị tách đôi với khoảng rộng 8cm.

Vụ việc đã khiến toàn bộ hệ thống điện và nước sinh hoạt mất trong thời gian dài. Các hộ dân phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có một số người dân ở lại để trông coi tài sản, chăm sóc vật nuôi hay do không có chỗ tạm trú.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn