CDC Hà Nội nói gì về kịch bản chi tiết việc nới lỏng từng bước giãn cách xã hội?

( PHUNUTODAY ) - Hà Nội đang xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho việc nới lỏng từng bước giãn cách xã hội khi dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát như trong tuần qua.

Sáng 13/9, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết TP đang giao các đơn vị xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho việc nới lỏng từng bước giãn cách xã hội khi dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát như trong tuần qua.

Theo ông Tuấn, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này là lấy mẫu diện rộng, đẩy nhanh và tăng công suất xét nghiệm để sớm khoanh vùng các chuỗi lây nhiễm còn lại, đồng thời đánh giá nguy cơ trên địa bàn.

"Thông qua số liệu xét nghiệm, chúng tôi sẽ đánh giá từng vùng, từng khu vực theo mức độ nguy cơ để tham mưu cho TP phương án nới lỏng từng bước, từng phần. Thay vì chia vùng giãn cách rộng như hiện nay, CDC đang tham mưu giãn cách theo quy mô xã, phường hoặc thậm chí thấp hơn nữa sau ngày 21/9", ông Tuấn nói.

hinh5_bvib

Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh nguy cơ đối với Hà Nội luôn thường trực, nên vùng nguy cơ rất cao như Thanh Xuân Trung nhiều khả năng tiếp tục nằm trong khu vực giãn cách xã hội nghiêm ngặt để bảo vệ thành quả, giữ gìn vùng xanh, vùng vàng.

Về kết quả xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch của UBND TP, lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng tiến độ đã đạt 50%, số ca nhiễm mới đang ở mức thấp, không đáng lo ngại. Điều đáng mừng là F0 vẫn tập trung ở vùng nguy cơ cao và rất cao, không có dấu hiệu lan ra vùng xanh và vàng.

Chia sẻ về lộ trình nới lỏng hôm 12/9, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết TP đang tính đến nới lỏng ở vùng vàng, nơi tập trung các khu công nghiệp, khu kinh doanh, sản xuất lớn. Vùng vàng sẽ giúp doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn nhanh chóng quay lại hoạt động.

"Việc này sẽ đảm bảo công ăn việc làm cho người dân cũng như nguồn thu ngân sách cho TP. Còn lại các nơi khác có điều kiện nới lỏng giãn cách thì từng bước khôi phục lại sản xuất kinh doanh", ông Phong nói và cho biết TP sẽ phân quyền chủ động cho từng địa phương để ra quyết sách phù hợp.

Trước đó, tại buổi thông tin báo chí về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành ủy Hà Nội chiều 10/9, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết TP đã trải qua tròn 50 ngày với 4 đợt giãn cách, số ca mắc trên địa bàn Thành phố đang có chiều hướng giảm dần, số ca mắc trong cộng đồng cũng giảm dần.

Nếu như ở giai đoạn 1 giãn cách, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng gần 50%; giai đoạn 2 và nửa đầu giai đoạn 3 chiếm khoảng 30%; cuối giai đoạn 3 đến đầu giai đoạn 4 giảm xuống còn 8,7%. Trong những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có 30-40 ca, chủ yếu là các ca mắc trong các khu cách ly, phong tỏa.

Để nâng cao năng lực y tế, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện Trung ương, huy động các bệnh viện tư nhân cùng vào cuộc; nâng cao năng lực của tất cả các cơ sở y tế và đã xây dựng phương án cao, dự kiến có tới 40.000 F0, giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế chuẩn bị phương án này.

Thành phố đang kích hoạt và vận hành cơ chế có 10.000 F0; đã có 14.600 giường bệnh để thu dung, điều trị thể nhẹ (tầng 1). Còn tầng 2, tầng 3 đã kích hoạt 2.000 giường. Chưa kể số giường bệnh của Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ Hà Nội 2.500 giường ở tầng 3. Thành phố cũng cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống oxy của tất cả các bệnh viện, đảm bảo đáp ứng yêu cầu điều trị cho 40.000 người bệnh.

Tất cả các cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ đều vận hành trên cơ sở sử dụng các nhà tái định cư, chung cư thương mại, các cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn, không phải xây mới. Duy nhất chỉ có bệnh viện dã chiến của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (tại Yên Sở, Hoàng Mai) là phải xây mới.

Về cơ sở cách ly, Hà Nội hiện nay mới sử dụng chưa đến 9% công suất. Thành phố cũng giao cho các quận, huyện, thị xã (trừ 4 quận nội đô) phải chủ động xây dựng các khu cách ly tập trung của mình, với công suất từ 1.000-5.000 chỗ.

“Cái được lớn nhất trong thời gian vừa qua là Thành phố đã khống chế cơ bản dịch bệnh. Nâng cao năng lực, chẩn bị ở mức cao của ngành y tế để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao hơn”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết.

Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 24/7. Sau ngày 6/9, Hà Nội chia 3 phân vùng giãn cách xã hội để vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất. Vùng 1 có nguy cơ rất cao (tập trung ở nội đô) tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16, còn lại 2 vùng (khu vực ngoại thành) áp dụng biện pháp theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link