TP HCM nghiên cứu chính sách 'thẻ xanh vaccine'
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, thành phố đề xuất chính sách "thẻ xanh vaccine" và nhóm các chuyên gia y tế, kinh tế đang nghiên cứu việc này.
Thông tin được Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nói tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, chiều 7/9. Hôm 1/9, Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP HCM đã được thành lập.
Người đứng đầu chính quyền thành phố nói rằng, sau ngày 15/9, công sở, các hoạt động kinh tế, dịch vụ, vận tải... muốn mở lại phải đáp ứng các điều kiện an toàn. "Một trong những điều kiện an toàn, khi người dân tham gia các hoạt động sau này là tiêm vaccine", ông Mãi nói và mong Trung ương cấp thêm vaccine để tiêm đủ mũi 2 cho người dân trên địa bàn.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp của Tổ công tác tổ chức cung ứng và tiêm vaccine ở TP HCM diễn ra sáng nay, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cũng nói rằng lúc này vaccine là ưu tiên hàng đầu. Với chính sách "thẻ xanh vaccine" đang nghiên cứu, thành phố cần sớm phủ vaccine mới có thể mở cửa, duy trì kinh tế. Những người đã tiêm 1-2 mũi sẽ được nới lỏng giãn cách xã hội.
Theo ông Đức, từ nay đến 15/9, TP HCM cần khoảng 2 triệu liều vaccine, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ở các quận huyện, tăng cường tiêm vào ban đêm. Vì vậy, ngành y tế phải quán triệt vaccine cấp ở địa bàn là tiêm cho toàn bộ người dân, không phân biệt thường trú, tạm trú, ngành nghề công tác...
Hà Nội cho dùng giấy đi đường cũ
Thủ đô Hà Nội hôm nay bước sang ngày thứ 3 thực hiện giãn cách theo 3 vùng nguy cơ. Sau hai ngày đầu thành phố lúng túng trong việc cấp giấy đi đường mẫu mới và có nhiều ý kiến trái chiều, hôm qua Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Thủ đô tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư.
Theo ông Dũng, Ban thường vụ Thành ủy đã yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để kịp thời điều chỉnh việc cấp, kiểm tra giấy đi đường phù hợp thực tiễn. "Tất cả phải nhằm bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân", ông nói.
Theo đó, trước mắt, thành phố tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp (mẫu cũ) và cấp giấy mới (có mã QR) kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư. Việc này sẽ được điều chỉnh trên cơ sở hiệu quả thực tiễn, sau đó nhập hai loại giấy thành một. Thành phố chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị 16; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân tự giác chấp hành. Người dân có giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.
Như vậy từ 6h ngày 8/9, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra việc sử dụng mẫu giấy đi đường cả mới và cũ; người dân chưa có giấy đi đường mẫu mới tiếp tục sử dụng giấy trước đây (đơn vị tự cấp) khi tham gia giao thông.
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra từ ngõ, phố, kết hợp với lực lượng tuần tra lưu động, tăng cường hậu kiểm để hạn chế lượng người ra đường. Các địa phương lập các tổ liên ngành kiểm tra phương án an toàn tại tổ chức, doanh nghiệp. "Những sai phạm (nếu có) cần được công khai để phê bình, nhắc nhở đi kèm với chế tài nghiêm khắc", ông Dũng nói.
Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết các F0 khỏi bệnh thuộc nhóm hoãn tiêm trong vòng 6 tháng. Thời gian tới, nhóm này sẽ được xếp tương đương người đã tiêm 2 mũi vaccine để tham gia các hoạt động. Ngành y tế cần thiết kế lại giấy ra viện như một dạng xác nhận và đưa lên hệ thống.