Trả lời phỏng vấn AFP, người phát ngôn của Nintendo nói rằng “công ty chúng tôi sẽ không đưa ra bất cứ hành động gì vào thời điểm hiện tại.”
Bình luận về những tin đồn rằng Flappy Bird có thể dính tới rắc rối về mặt pháp lý, một số chuyên gia công nghệ nói rằng những điều này là vô căn cứ; chuyện "kế thừa" hay chịu ảnh hưởng từ một trò game đi trước là chuyện phổ biến trong làng game thế giới.
Trước đó, rạng sáng ngày 10/2 theo giờ Việt Nam, tác giả của Flappy Bird, nhà phát triển game độc lập Nguyễn Hà Đông đã rút trò game gây sốt này khỏi App Store và Google Play, cho dù “chim mặt ngu” vẫn đang đứng đầu bảng xếp hạng các ứng dụng cài đặt miễn phí.
Trên Twitter của mình hôm 9/2 (tài khoản @dongatory), Đông cho biết “báo giới đã quan tâm quá mức tới trò game” và điều đó đã gây quá nhiều phiền toái cho anh. Những phản ứng tiêu cực kể trên xuất hiện sau khi Hà Đông thông báo trên Twitter rằng anh sẽ gỡ bỏ trò chơi gây sốt sau 22 giờ. Nhiều người hâm mộ đã khẩn thiết đề nghị anh giữ trò chơi nhưng đúng 12 giờ đêm ngày 9/2, giờ Việt Nam, trò chơi này không còn cho phép tải xuống.
Một số người từng hoài nghi rằng quyết định gỡ trò chơi Flappy Bird là "trò PR" của Nguyễn Hà Đông. Nhiều người khác khuyên nhủ cậu không nên manh động. Có người nói Nguyễn Hà Đông đã quyết định đúng.
Nhiều chuyên gia IT đều cho rằng việc thành công về lượt tải hay mức doanh thu của Flappy Bird là niềm tự hào của ngành ứng dụng Việt Nam. Họ nói đây cũng sẽ là liều thuốc kích thích để các doanh nghiệp nội dung Việt Nam đầu tư hơn nữa trong việc phát triển các ứng dụng, chinh phục người dùng thế giới.
Trò chơi này được tung lên hồi tháng 5/2013, và nó đột nhiên chiếm vị trí đầu trên cả App Store của Apple lẫn Google Play cho Android kể từ giữa tháng 1 năm nay.
Theo Mashable, nhiều khả năng Flappy Bird được truyền đi nhanh chóng là vì nó gây quá nhiều thất vọng cho người chơi. Nguyên tắc của trò này là giữ cho chú chim bay qua một loạt các chướng ngại vật. Flappy Bird được thiết kế đơn giản nhưng nhiệm vụ cho người chơi lại vô cùng khó khăn.