Việt Nam lãng phí 50 tỷ đồng với SEA Games 27?

18:59, Thứ tư 25/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tính một cách tổng thể, SEA Game 27 ngốn mất của Việt Nam trọn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nền thể thao của chúng ta được rất ít từ SEA Games, nhưng số tiền bỏ ra lại rất lớn. Quả là một sự lãng phí đắng lòng.

685 triệu đổi một huy chương vàng

SEA Games 27 – ngày hội thể thao lớn nhất khu vực năm 2013 đã khép lại. Về cơ bản, đoàn TTVN đã vượt chỉ tiêu, với 73 HCV và xếp thứ 3 toàn đoàn. Niềm vui rạng ngời trên nhiều khuôn mặt, nhưng sau niềm vui ấy lại là những lo toan và cả những con số khiến người ngoài cuộc không khỏi suy nghĩ. Liệu có đáng giá?

Việt Nam là đoàn đông thứ 3 sau đoàn Thái Lan và chủ nhà Myanmar. Theo quy định, các đoàn đến SEA Games phải đóng lệ phí 50USD/người/ngày. Như vậy với 750 thành viên, mỗi ngày đoàn TTVN sẽ phải trả 37.500USD, tương đương 800 triệu đồng/ngày. Tính từ ngày lên đường cho tới lúc bế mạc, đoàn TTVN sẽ phải trả khoảng 700.000USD (15 tỷ đồng) tại Myanmar...

SEA Game 27 ngốn mất của Việt Nam 50 tỉ đồng
SEA Game 27 ngốn mất của Việt Nam 50 tỷ đồng.

Một khoản nặng khác là tiền chế độ ăn uống, thuốc bổ, phương tiện đi lại... được tăng lên từ đầu tháng 9 cho “mục tiêu SEA Games”. Riêng tiền ăn được nâng lên từ 200.000 đồng/ngày lên 300.000 đồng/ngày. Như vậy, chỉ tính tiền ăn cho các mục tiêu SEA Games, ngân sách đã tốn thêm khoảng 19 tỷ đồng.

Tại SEA Game 27, đoàn TTVN giành 73 HCV, 86 HCB và 86 HCĐ. Mà theo quy của Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT), mỗi cá nhân đóng góp HCV sẽ nhận 45 triệu đồng tiền thưởng, HCB là 25 triệu và HCĐ là 20 triệu. Ngoài ra, còn mức thưởng “động viên” đối với các VĐV có thành tích ấn tượng hoặc phá kỷ lục... Theo con số vừa được công bố, quỹ thưởng đã cán mốc 16 tỷ đồng.

Nghĩa là tính một cách tổng thể, SEA Game 27 ngốn mất của Việt Nam trọn 50 tỷ đồng. 50 tỷ đồng cho 73 tấm HCV, nghĩa là mỗi tấm HCV có giá trị bằng... 685 triệu đồng. Trong số 73 tấm HCV mạ vàng kể trên, có những cái đáng giá thật, nhưng cũng có những cái lấy về rồi bỏ xó, chẳng mấy người còn ngó ngàng tới. Đơn giản, đó là những bộ môn không có cơ hội phát triển ở Việt Nam.

Tính sơ sơ thế thôi để thấy rằng, SEA Game 27 quả là tốn kém. Mà ai cũng biết, SEA Game chỉ là cái “ao làng” với những sự cạnh tranh không sòng phẳng và rất nhiều môn thi lạ lẫm. Theo các nhà phân tích, nền thể thao của chúng ta được rất ít từ SEA Games, nhưng số tiền bỏ ra lại rất lớn. Quả là một sự lãng phí đắng lòng.

SEA Games không có lỗi, Việt Nam có tội

Một vấn đề khác đáng chú ý nữa là tiếng là đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á, thế nhưng SEA Games trong mắt công chúng đang hiện lên giống hình ảnh chiếc “ao tù” xấu xí. Với những vấn nạn nổi cộm như thiên vị nước chủ nhà, trọng tài thiếu công tâm, chia chác huy chương hay công tác tổ chức kém sự chuyên nghiệp, ngày “hội làng” 2 năm tổ chức một lần này không còn thu hút được sự quan tâm của công chúng như trước kia.

Ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng SEA Games cần bị tẩy chay, thậm chí là bỏ hẳn. Tuy nhiên ý kiến trên là hoàn toàn không hề công bằng chút nào.

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 27
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 27.

SEA Games không chỉ đóng vai trò thể thao đơn thuần, mà còn là cầu nối giúp Việt Nam thắt chặt thêm tình hữu nghị với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, SEA Games vẫn là sân chơi tốt giúp các VĐV Việt Nam có cơ hội cọ xát, thi thố tài năng với bạn bè khu vực.

Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ có thể đạt được với một điều kiện quan trọng: Việt Nam phải loại bỏ được căn bệnh thành tích đã ăn sâu bén rễ trong tiềm thức suốt bao năm qua.

Thay vì chỉ chăm chăm lo chuyện hoàn thành chỉ tiêu huy chương, các lãnh đạo thể thao nước nhà nên hướng đến mục tiêu xa hơn, đó là nâng tầm chất lượng thực sự cho VĐV nước nhà thông qua những trận thi đấu cọ xát.

Thay vì “điều quân” ồ ạt, kéo theo một bộ sậu hùng hậu tới SEA Games với mong muốn giành được càng nhiều huy chương càng tốt, chúng ta tốt hơn hết chỉ nên đầu tư có trọng tâm vào những bộ môn mang tầm ASIAD hoặc Olympic - vừa hạn chế việc bị trọng tài xử ép, lại vừa tiết kiệm chi phí không cần thiết.

Đó cũng là lý do tại sao Thái Lan – dù cho SEA Games được đăng cai ở quốc gia nào, họ vẫn thể hiện được phong độ vượt trội so với các nước khác cùng khu vực.

Nếu như Việt Nam dám dũng cảm xóa đi căn bệnh thành tích, thì rõ ràng, không những nền thể thao nước nhà sẽ có cơ hội phát triển đi lên, mà cũng sẽ góp phần làm “sạch” hơn sân chơi SEA Games.

Nhưng tạm thời, đoàn Thể thao Việt Nam chưa làm được. Và cứ tiếp tục như thế, họ có tội với người hâm mộ, có tội với SEA Games.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông