"Thiên tài" tham nhũng trong lịch sử Trung Hoa
Hòa Thân (1750 – 1799), tên chữ Trí Trai, xuất thân là người Chính Hồng Kỳ, tộc Nữu Hỗ Lộc, người Mãn Châu.
Xuất thân là một công tử Mãn Châu (Trung Quốc), khi 10 tuổi ông được đưa vào cung học. Thuở nhỏ, do quan hệ bất hòa với mẹ kế nên phải chịu nhiều vất vả. Khi mới gia nhập triều đình, Hòa Thân giữ chức vị thị vệ. Tuy còn trẻ nhưng Hòa Thân đã sớm có năng lực làm việc cũng như các đóng góp cho triều đình.
Hòa Thân được Càn Long rất tín nhiệm, trọng dụng.
Được Hoàng đế che chở, lại thêm việc có chức có quyền, đại tham quan này không chỉ lén lút mua quan bán chức mà còn công khai tham nhũng, nhận hối lộ, vơ vét tài sản chẳng khác nào "cướp giữa ban ngày".
Trong 24 năm đương quyền, Hòa Thân bỏ túi ước chừng khoảng 40 triệu lạng bạc nhờ những thủ đoạn mua quan bán tước.
Dựa vào con số thống kê của một số nguồn sử liệu, vào những năm cuối thời Càn Long tại vị, các sản vật và cống phẩm tiến cống từ các địa phương chỉ có 12% được đưa vào ngân khố, 88% còn lại đều bị hút về phủ họ Hòa.
Phàm là những ngành kinh doanh thu nhiều lợi nhuận lúc bấy giờ đều có sự hiện diện của Hòa Thân. "Tiền đẻ ra tiền", Hòa đại nhân cứ như vậy mà giàu lên, còn quan lại, bách tính ngày một khổ sở.
Cái kết cho khối tài sản kếch xù của "đệ nhất tham quan"
Năm 1799, Càn Long băng hà, chiếc ô dù lớn nhất của Hòa Thân cũng đã mất. 5 ngày sau, Gia Khánh Hoàng đế lập tức hạ lệnh cách chức và bỏ tù tham quan này, đồng thời tịch thu tài sản của Hòa Thân.
Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản. Tuy nhiên sau đó, Gia Khánh lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông tự vẫn tại phủ.
Trong hơn 20 năm đương quyền, Hòa Thân sở hữu 3.000 phòng (phòng trọ, dinh thự), 8.000 mẫu đất (tương đương 32km2), 72 ngân hàng, 75 hiệu cầm đồ.
Trong phủ họ Hòa lúc bấy giờ chứa tới 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên tương đương một quả anh đào), 10 viện ngọc trai lớn (mỗi viên có kích cỡ bằng quả mơ), 10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn.
Sự giàu có của Hòa Thân vốn đã nổi tiếng, nhưng kết quả của sự tịch thu gia sản còn làm cho mọi người kinh ngạc hơn. Bản tịch biên gia sản rất dài ghi đủ các thứ vàng bạc châu báu, gấm vóc… không thể nào đếm xuể, tính ngang với số thu nhập của triều đình trong mười năm.
Sau này nghe nói, số lớn của cải châu báu tịch thu được đều được Gia Khánh Đế cho người đến chuyên chở về cung. Vì thế trong dân gian có câu nói châm biếm vần miệng là: "Hòa Thân bị đổ, Gia Khánh vớ bở".