Chưa tích hợp giấy tờ định danh điện tử VNeID có bị phạt không?
Từ khi được đưa vào sử dụng, ứng dụng này đã hỗ trợ người dân rất nhiều trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, không phải mọi người đều có điều kiện để sở hữu smartphone và tiếp cận với công nghệ. Một số người dân đến nay vẫn chưa cài đặt VNeID trên điện thoại của mình. Liệu việc này có khiến họ phải chịu hình phạt?
Nghị định 59/2022/NĐ-CP đã nêu rõ các quy định liên quan đến định danh và các thực điện tử. Trong đó, không có quy định hoặc mốc thời gian cụ thể nào bắt buộc công dân phải đăng ký sử dụng VNeID hoặc tải app VNeID về sử dụng. Mặc dù không phải là ứng dụng bắt buộc, nhưng người dân được khuyến khích sử dụng VNeID để bắt kịp xu hướng và thuận tiện hơn khi làm các thủ tục hành chính.
Tích hợp giấy tờ định danh điện tử
Khi công dân đã có VNeID mức 2, họ có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ cá nhân như đăng ký xe, bằng lái xe, BHYT, BHXH…
Ngoài ra, CCCD gắn chip cũng là từ khóa được nhắc đến nhiều trong những năm qua. Đây là giấy tờ cá nhân quan trọng nhất của công dân, chứa thông tin cá nhân và mã QR gắn ở mặt trước. CCCD gắn chip ra đời nhằm giúp người dân không phải mang theo quá nhiều giấy tờ khi ra ngoài, qua đó cũng giúp thủ tục hành chính trở nên nhanh chóng và gọn gàng hơn.
Khi có CCCD gắn chip, công dân có thể tích hợp các giấy tờ như bằng lái xe, đăng ký xe, BHXH, thông tin cư trú… Tuy nhiên, hiện tại pháp luật chưa có quy định bắt buộc phải tích hợp giấy tờ vào CCCD gắn chip, và cũng không có hình thức xử phạt nếu chưa thực hiện việc này.
Tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam có bao nhiêu mức độ?
Theo quy định Điều 12 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định về phân loại mức độ tài khoản định danh điện tử. Trong đó, tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam có 02 mức độ bao gồm:
- Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 bao gồm các thông tin như sau: số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh chân dung.
- Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 bao gồm các thông tin như: số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh chân dung, vân tay.
Cách đăng ký tài khoản định danh điện tử
Cách 1: Đăng ký tài khoản định danh điện tử trực tiếp tại cơ quan Công an.
Người dân đến cơ quan Công an quận/huyện/tỉnh/thành phố làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân (CCCD) gắn chip thì có thể thực hiện đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và cung cấp các thông tin theo 3 bước.
Bước 1: Người dân thông báo với cán bộ về việc làm hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Thông tin đăng ký bao gồm: Số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email).
Trường hợp người dân có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… thì mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.
Bước 2: Người dân thực hiện làm hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip điện tử bao gồm thông tin nhân thân/thân nhân cùng thông tin sinh trắc.
Bước 3: Cán bộ tiếp tục xử lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip theo đúng quy trình cấp CCCD.
Cách 2: Đăng ký tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VneID
Bước 1: Tải ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia (VNeID) từ App Store và Google Play Store về điện thoại.
Bước 2: Tại ứng dụng VNeID, người dân cần kê khai các thông tin gồm số định danh cá nhân (12 chữ số trên thẻ CCCD) và số điện thoại để kích hoạt tài khoản.
Kết quả phê duyệt tài khoản sẽ được gửi qua tin nhắn SMS, công dân vào ứng dụng, kích hoạt và sử dụng.