Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký chứng thực Luật Đất đai (sửa đổi), được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội XV.
Hàng loạt điểm mới
Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thể chế hóa nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Luật gồm 16 chương, 260 điều, tập trung hoàn thiện các quy định, chính sách.
Trong đó, xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp; đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định.
Thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của trung ương và hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất...
Cùng với đó, quy định đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng.
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.
Chế độ sử dụng đất đa mục đích; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác; đất có mặt nước sử dụng đa mục đích; hoạt động lấn biển...
Phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quản lý của trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai tập trung, thống nhất.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
8 trường hợp nhà nước thu hồi đất do vi phạm từ năm 2025
Nhà nước thu hồi đất nếu người dân hủy hoại đất, sử dụng không đúng mục đích được giao, để bị lấn chiếm, không thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Theo Luật Đất đai mới, có hiệu lực từ 1/1/2025, người dân bị nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật trong 8 trường hợp, gồm:
- Sử dụng đất không đúng mục đích được nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị phạt này mà tiếp tục vi phạm.
- Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị phạt về hành vi này mà tiếp tục vi phạm.
- Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.
- Đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được nhà nước giao đất, cho thuê đất mà người này không được được chuyển nhượng, tặng cho.
- Đất được nhà nước giao quản lý mà để bị lấn chiếm.
- Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Quy định này không áp dụng với trường hợp bất khả kháng.
- Đất trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản không được sử dụng 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng 18 tháng; đất trồng rừng không được sử dụng 24 tháng, đã bị phạt mà không đưa đất vào sử dụng. Quy định này không áp dụng với trường hợp bất khả kháng.
- Đất được nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho nhà nước khoản tiền tương ứng; hết thời gian gia hạn, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi mà không bồi thường. Quy định này không áp dụng với trường hợp bất khả kháng.
Luật mới cơ bản giữ nguyên nội dung thu hồi đất do vi phạm so với Luật Đất đai 2013 nhưng nêu cụ thể hơn điều kiện với mỗi trường hợp bị thu hồi cũng như khi xảy ra tình huống bất khả kháng.
Trưng dụng đất
Nhà nước được trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Trường hợp khẩn cấp không thể ra quyết định bằng văn bản, người có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất bằng lời nói, có hiệu lực ngay. Tuy nhiên, người có thẩm quyền phải viết giấy xác nhận trưng dụng đất và trao cho người có đất bị trưng dụng. Trong 48 tiếng, cơ quan chức năng phải xác nhận việc trưng dụng đất bằng văn bản và gửi cho chủ đất.
8 bộ trưởng được ra quyết định và gia hạn trưng dụng đất, gồm Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện cũng có quyền quyết định và gia hạn trưng dụng đất. Những người này không được ủy quyền cho cấp dưới.
So với luật cũ, luật mới đã bổ sung quyền trưng dụng đất cho Bộ trưởng Tài chính.
Theo luật mới, thời hạn trưng dụng đất không quá 30 ngày, nếu mục đích chưa hoàn thành thì được gia hạn thêm tối đa 30 ngày. Trong tình trạng chiến tranh, khẩn cấp thì thời hạn trưng dụng đất tính từ ngày ra quyết định đến tối đa 30 ngày sau khi bãi bỏ tình trạng này. Người có đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trưng dụng phải chấp hành quyết định, nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Bốn hình thức bồi thường từ 2025 khi nhà nước thu hồi đất
Bốn hình thức bồi thường từ 2025 khi nhà nước thu hồi đất
Người có đất bị nhà nước thu hồi sẽ được bồi thường bằng bốn hình thức là đất cùng mục đích sử dụng, đất khác mục đích sử dụng, tiền, nhà ở.
Nhà nước sẽ bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất gây ra, gồm ba trường hợp:
+ Đất trưng dụng bị hủy hoại sẽ được bồi thường bằng tiền theo giá chuyển nhượng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán.
+ Nếu thu nhập bị thiệt hại do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường tính theo mức thiệt hại thực tế từ ngày giao đất đến khi hoàn trả.
+ Nếu tài sản bị thiệt hại do trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường tính theo giá chuyển nhượng tài sản trên thị trường tại thời điểm thanh toán.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện sẽ lập hội đồng xác định mức bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất gây ra, căn cứ vào bản kê khai của người sử dụng đất và hồ sơ địa chính. Tiền bồi thường được chi trả một lần, trong 30 ngày kể từ khi hoàn trả đất.