Hiếm gặp: Bé trai sinh thường với 4 vòng dây rốn quấn cổ và những điều mẹ bầu cần biết

08:40, Thứ bảy 22/08/2020

( PHUNUTODAY ) - Dù được nhiều lần tư vấn nên mổ chủ động nhưng sau khi thăm khám trước sinh, bác sĩ đã động viên sản phụ sinh thường và kết quả là em bé chào đời nặng 3400g với 4 vòng dây rốn quấn cổ.

Mới đây, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã đỡ đẻ thành công cho sản phụ Vũ Thị T. (sinh năm 1985, trú tại Lương Tài, Bắc Ninh) mang thai 40 tuần 2 ngày. Em bé vừa chào đời đã gây ấn tượng đặc biệt với 4 vòng dây rốn quấn cổ.

Trước đó, trong quá trình mang bầu, chị T. đã đi khám nhiều nơi và được tư vấn mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Quá ngày dự sinh 2 ngày, chị T. làm thủ tục nhập Bệnh viện Phụ sản Hà Nội xin được mổ chủ động.

sinh-con-1

Sau khi thăm khám, BS CK I Nguyễn Thu Thuỷ - khoa khám Sản tự nguyện, ước lượng em bé nặng khoảng 3300g, thể trạng mẹ tốt nên đã tư vấn sản phụ tách màng ối gây chuyển dạ theo dõi đẻ thường.

Kết quả, bé trai nặng 3400g đã chào đời khỏe mạnh với 4 vòng dây rốn quấn cổ chặt trong niềm vui hân hoan của cả gia đình cùng toàn bộ ê kíp đỡ đẻ.

Cách đây ít lâu, thông tin một em bé chào đời với 6 vòng dây rốn quấn chặt quanh cổ tại Bệnh viện Trung ương Nghi Xương (Hồ Bắc, Trung Quốc) cũng đã gây xôn xao dư luận. Chính mẹ bé trai và cả ê kíp đỡ đẻ đều hết sức ngạc nhiên khi biết tình trạng của con nên khi bé vừa chào đời, các bác sĩ đã tập trung vào phòng sinh để đếm số vòng dây rốn quấn quanh cổ bé.

Dù bị dây rốn quấn cổ nhiều vòng nhưng thật may mắn là bé trai đã chào đời an toàn, bởi với số vòng dây rốn quấn cổ nhiều như vậy, bé có thể phải đối mặt nguy cơ bị siết cổ trong quá trình chào đời.

Cách phát hiện dây rốn quấn cổ thai nhi

Chỉ có thể phát hiện tràng hoa quấn cổ qua hình ảnh siêu âm. Một số thai phụ xuất hiện ở tháng thứ 5 – 6, nhưng thông thường xuất hiện nhiều và rõ ràng vào 3 tháng cuối thai kỳ. Việc thai máy bất thường cũng có thể là dấu hiệu của tràng hoa quấn cổ. Những trường hợp bị dây rau quấn chặt, khiến thai bị thiếu ôxy, khó thở, thai sẽ đạp và quậy nhiều hơn để “cảnh báo” cho thai phụ.

Có thể gặp những nguy cơ gì?

Khi dây rốn bị siết chặt nhiều vòng, quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng, máu nuôi thai nhi sẽ không suôn sẻ. Vì thế, nguy cơ trẻ sinh ra nhẹ cân, thiếu máu và cũng có trường hợp thai nhi tử vong trong bụng mẹ. Do khi người mẹ chuyển dạ, dây rốn quấn có thể khiến thai nhi bị treo trên cao, khó lọt qua cổ tử cung để ra ngoài. Vì thế, nếu siêu âm xác định dây rốn quấn cổ, người mẹ cần đến bác sĩ theo dõi thai chặt chẽ theo lịch hẹn định kỳ.

Một số trường hợp thai nhi 18 – 25 tuần tuổi bị dây rốn quấn cổ rồi trở lại bình thường. Cũng có trường hợp thai nhi càng lớn, do cử động nhiều nên dây rốn quấn thêm vòng. Không có cách nào để gỡ dây rốn. Vì vậy, người mẹ cần theo dõi thật sát cử động của thai. Nếu thai quẫy đạp mạnh hoặc quá yếu, phải đến cơ sở y tế gần nhất.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc