Trong suốt tiến trình hơn 5000 năm lịch sử, từ khi được thành lập vào năm 2070 trước Công nguyên cho đến khi vị hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi thoái vị vào ngày 12/2/1912, Trung Quốc đã trải qua hơn 83 lần thay đổi triều đại với hơn 600 nhà cầm quyền, trong đó có không ít đế vương anh minh tài giỏi. Nhưng khi tuổi tác lớn dần, tình trạng cơ thể xấu đi, đa số họ đều có khát vọng trường thọ, luyến tiếc buông bỏ quyền lực, từ đó theo đuổi đan dược kéo dài tuổi thọ. Nhưng trường thọ giống như cát nắm trong tay, nắm càng chặt, ngược lại cát chảy đi càng nhanh.
Điểm lại từng có không ít đế vương uống đủ thứ đan dược, tin tưởng vào đạo sĩ giang hồ mà lùng sục khắp nhân gian loại thuốc trường sinh. Những tưởng cơ thể ngày một khỏe hơn nhưng kết quả lại trúng độc, sa sút từng ngày rồi băng hà.
Tấn Ai đế 24 tuổi, vì uống đan dược quá liều nên độc phát toàn thân dẫn đến vong mạng. Đường Vũ Tông, 35 tuổi cũng có kết cục tương tự. Minh triều Gia Tĩnh đế 38 tuổi, chỉ làm Hoàng đế 1 tháng mà đã băng hà vì uống đan dược quá nhiều.
Một minh chứng tiêu biểu nhất cho việc tìm kiếm thuốc trường sinh bất lão chính là Tần Thủy Hoàng. Ông thống nhất 6 nước, tạo nên rất nhiều kỳ công trong lịch sử. Cũng bởi vì đam mê đứng đầu thiên hạ và muốn quyền lực mãi mãi thuộc về mình nên ông mới ra sức đi tìm thuốc trường sinh để bản thân tồn tại bất biến cùng trời đất. Cuối cùng Tần Thủy Hoàng đã qua đời khi chỉ mới 49 tuổi.
Có rất nhiều giả thiết giải thích cái chết của Tần Thủy Hoàng. Một là lao lực trong quá trình tìm kiếm đan dược. Hai là tin vào các đạo sĩ giang hồ mà xem thủy ngân là thuốc trường sinh, từ đó tích lũy độc tố trong người, cuối cùng băng hà vì bệnh.
Song bên cạnh đó, cũng có số ít những vị Hoàng đế sống thọ, đơn cử chính là Khang Hi và Càn Long.
Khang Hi sống thọ 69 tuổi (có tài liệu thể hiện 68 tuổi), 8 tuổi đăng cơ, tại vị 61 năm. Càn Long thọ 87 tuổi, tại vị 60 năm, sau đó còn lên làm Thái thượng hoàng, có thêm 3 năm chấp chính quyền lực lúc tuổi già.
Tuổi thọ và thời gian tại vị của Khang Hi và Càn Long vượt xa đa số Hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc. Bí quyết ở đây không nằm ngoài những thói quen sống hằng ngày.
1. Không uống đan dược
Đan dược trường sinh, có thể chứa thành phần đại bổ cho cơ thể, mà cũng có thể là những nguyên liệu "hiếm có" trên đời nhưng lại không biết có lợi cho sức khỏe con người hay không. Nhưng cho dù chỉ chứa những bài thuốc bổ trong dân gian Trung Quốc như linh chi ngàn năm, thiên sơn tuyết liên... thì khi cơ thể nạp quá nhiều đồ bổ thì lại sinh ra phản tác dụng, cuối cùng khiến con người nguy kịch như trúng độc. Do đó người ta mới có câu: "Bổ quá cũng hóa độc".
Khang Hi và Càn Long gần như không tin vào thứ thuốc gọi là tiên dược trường sinh bất lão. Thậm chí Càn Long còn có bài học sâu sắc từ “tấm gương” của vua cha là Ung Chính - người đã qua đời vì bệnh do lao lực làm việc triều chính.
Mà nguyên nhân khiến Khang Hi không uống thứ thuốc này có rất nhiều. Trong đó chủ yếu là ông có tầm hiểu biết sâu rộng, đương nhiên không hề tin trên đời này có thứ thuốc kéo dài sự sống trường tồn. Khang Hi được đánh giá là một trong những “Thiên cổ nhất đế” của Trung Quốc. Ông tinh thông 3 loại ngôn ngữ (Hán, Mãn, Mông), biết một ít tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Đức… Chưa hết, từ những tài liệu lịch sử để lại, vị Hoàng đế này còn sở hữu kiến thức nhất định về tích phân và hóa học.
2. Tập tục của tộc người Mãn
Người Mãn là tộc người cưỡi trên lưng ngựa, các Hoàng đế nhà Thanh đều biết săn bắn và các cuộc thi cưỡi ngựa bắn cung được diễn ra hằng năm.
Con người ở thời đại nào cũng vậy, vận động luôn có lợi cho sức khỏe. Thói quen săn bắn này giúp hầu hết các Hoàng đế nhà Thanh sở hữu cơ thể khỏe mạnh.
Không uống đan dược, cộng thêm thường vận động, đây có lẽ là nguyên nhân giúp Khang Hi và Càn Long có thể ngồi vững trên ngôi vị Hoàng đế lâu như vậy.
Đương nhiên ở đây chúng ta không suy xét đến năng lực quản lý đất nước của hai người. Hậu nhân luôn công nhận tài năng của họ nhưng nếu không có sức khỏe và sống đủ thọ thì dù xuất chúng đến mấy cũng không thể ngồi trên ngai vàng lâu như vậy.