Học sinh được điều khiển loại xe gắn máy nào?

07:00, Thứ năm 09/10/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Xin hỏi, ở lứa tuổi học sinh THPT được điều khiển phương tiện nào tham gia giao thông? Nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt như thế nào và mức độ ra sao?

Tôi là học sinh lớp 11, nhà lại ở xa trường nên muốn tự đi xe gắn máy đến trường. Xin hỏi, ở lứa tuổi học sinh THPT được điều khiển phương tiện nào tham gia giao thông? Nếu vi phạm giao thông thì trường hợp của tôi sẽ bị xử phạt như thế nào và mức độ ra sao?

Trần Lan Anh (quậnTây Hồ, Hà Nội)

Trả lời:

Theo Điều 60, Luật Giao thông đường bộ, quy định tuổi, sức khỏe của người lái xe

1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe.

Mô tả ảnh.
Học sinh được điều khiển loại xe gắn máy nào? Ảnh minh họa.

Như vậy, học sinh đủ trên 16 tuổi và dưới 18 tuổi chỉ được điều khiển xe gắn máy dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Bạn là học sinh lớp 11 thì cũng nằm trong trường hợp này.

Theo đó, nếu những học sinh ở độ tuổi như vậy điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo quy định tại Điều 5  Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt như sau:

- Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe môtô hoặc điều khiển xe ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ôtô.

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe môtô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên

Trường hợp học sinh điều khiển xe đạp điện trên đường giao thông: Theo quy định tại khoản 19, Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ thì xe đạp điện (xe đạp máy) được coi là phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Và cũng chưa có quy định nào cấm người dưới 18 tuổi điều khiển xe đạp điện trên đường giao thông. Tuy nhiên, xe có vận tốc thiết kế đến 25km/h, lớn hơn so với vận tốc của xe đạp bình thường nên người sử dụng xe đạp điện khi tham gia giao thông phải chấp hành đúng quy tắc giao thông và đội mũ bảo hiểm đúng quy cách. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2, Điều 31, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”.

Trường hợp người điều khiển xe đạp điện và người ngồi trên xe đạp điện đi trên đường giao thông mà không đội mũ bảo hiểm đúng cách hoặc có đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách sẽ bị xử phạt theo Điều 8, Nghị định 171/2013/NĐ/CP của Chính phủ. Mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Chính sách mới về lao động, lương có hiệu lực từ 10/2014
Từ tháng 10/2014, nhiều chính sách mới về lao động, tiền lương bắt đầu có hiệu lực.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phương anh