Chánh văn phòng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Bá Hoan chiều 20/11 cho biết cơ quan này vừa có công văn chỉ đạo các sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các bộ phận chuyên môn yêu cầu doanh nghiệp phải phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ người lao động các khoản trợ cấp, phụ cấp. Sau đó phải đặc biệt chú ý phương án tiền thưởng trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 và thông báo cho người lao động.
Ông Hoan và một số chuyên gia cho biết việc Bộ LĐ-TB&XH có công văn nhắc nhở chỉ là “theo thông lệ”, bởi luật không quy định các doanh nghiệp phải có báo cáo về khoản thưởng tết.
Theo số liệu khảo sát, tiền thưởng tết âm lịch năm 2016 đã tăng khoảng 15% so với tết 2015.
Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, người tham gia điều hành nhiều năm về tiền lương - qua nắm tình hình, do kinh tế có dấu hiệu hồi phục nên nhiều khả năng thưởng tết năm nay sẽ cao hơn năm trước.
Thưởng tết không phải là điều bắt buộc
Có một thực tế là cho đến thời điểm hiện tại pháp luật vẫn chưa có bất cứ một quy định riêng biệt nào về tiền thưởng tết. Tất cả vẫn nhìn nhận đây là một dạng của tiền thưởng, do đó đều thống nhất sẽ dựa vào quy định tiền thưởng tại Bộ Luật Lao động năm 2012 làm căn cứ để tiến hành thưởng tết cho người lao động.
Theo Điều 103, Bộ Luật Lao động 2012, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng cụ thể sẽ do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Điều này có nghĩa, việc trả tiền thưởng tết không phải là quy định bắt buộc phải thực hiện mà chỉ là điều khoản khuyến khích người sử dụng lao động nên có chế độ đãi ngộ tốt nhất cho người lao động để họ tăng gia sản xuất. Số lượng thưởng nhiều hay ít sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.
Và tất nhiên, khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay khi người lao động không hoàn thành công việc theo quy định, họ hoàn toàn có thể không nhận được thưởng tết.
Ngoài ra, do Bộ Luật Lao động cũng không quy định rõ thời gian để được tính thưởng tết nên mỗi doanh nghiệp sẽ tự căn cứ vào tình hình, kết quả sản xuất, kinh doanh của mình để quyết định mức thưởng cho người lao động dựa trên hợp đồng lao động hoặc có cộng dồn thời gian học việc, thử việc…
Các hình thức thưởng sẽ bao gồm thưởng bằng tiền, hiện vật. Không ít đơn vị còn thưởng bằng chính sản phẩm do mình làm ra như tương ớt, dầu ăn, muối hay thậm chí là chiếu, ngói, gạch… gây nên nhiều cảnh bi hài.
Mặc dù pháp luật khuyến khích thưởng tết bằng tiền để người lao động có điều kiện mua sắm nhưng không có điều khoàn nào bắt buộc và cũng không cấm doanh nghiệp dùng hiện vật để thay thế tiền thưởng tết.