Tối 7/10/2012, trước biển người ủng hộ reo hò tại thủ đô Caracas, ông Hugo Chavez tay trái tung nắm đấm, tay phải vẫy cờ ăn mừng “chiến thắng hoàn hảo” khi tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống lần thứ tư. Bốn tháng sau đó ông ra đi trong cuộc chiến chống căn bệnh ung thư quái ác.
[links()]
Những người ủng hộ ông Chavez than khóc sau khi hay tin Tổng thống qua đời - Ảnh: Reuters |
Richard Gott, tác giả quyển sách Hugo Chávez and the Bolivarian Revolution (tạm dịch Hugo Chavez và cuộc cách mạng Bolivarian) nhận định tổng thống Venezuela là một trong những lãnh đạo gây tranh cãi nhất tại Mỹ Latin kể từ khi lãnh tụ Fidel Castrol lên nắm quyền ở Cuba 1959.
“Những nhân vật lạ thường như vậy để lại những dấu ấn trong nhiều thập kỷ”, ông Gott viết trên NewStateman. Có thể thấy ông Chavez là hiện thân của hai xu hướng mạnh mẽ ở Mỹ những năm 1960: ký ức về phong trào du kích cánh tả khơi nguồn bởi Che Guevara và Cách mạng Cuba dưới lãnh đạo của chủ tịch Castrol, và kiểu lãnh đạo khác thường của các lãnh đạo xuất phát từ nhà binh như tướng Juan Velasco Alvarado của Peru hay tướng Omar Torríjos ở Panama.
Ông Chavez sinh vào 7-1954 tại làng Sabaneta trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên và tham gia đảng dân chủ Thiên chúa giáo Copei. Mơ ước làm vận động viên bóng rổ nhưng cậu thiếu niên Chavez nhập ngũ năm 17 tuổi rồi theo anh trai học tại đại học Andes ở thành phố Mérida. Ông sau đó trở thành giáo viên tại học viện quân sự Caracas, dùng những câu chuyện đầy cảm hứng về những nhân vật bất đồng chính kiến thế kỷ 19 để khơi dậy niềm tự hào của giới trẻ ở một đất nước bị xâm chiếm bởi những người nhập cư da trắng từ châu Âu và văn hóa chủ nghĩa tiêu thụ kiểu Mỹ.
Bước ngoặt diễn ra năm 1982 khi chàng trai Chavez thất vọng trước sự suy đồi và tham nhũng của các chính trị gia đã thành lập “phong trào cách mạng Bolivarian” trong lòng các lực lượng quân sự. Ban đầu là một nhóm nghiên cứu chính trị, phong trào dần biến thành một tổ chức tuyên truyền lật đổ chờ đợi cơ hội hành động.
Đó là năm 1989, khi bạo loạn dân sự nổ ra ở nhiều thành phố khiến hơn 1000 người thiệt mạng trong các cuộc đàn áp của quân đội. Chavez cùng nhóm sĩ quan cấp trung năm 1992 tiến hành cuộc đảo chính thành công trên hầu hết cả nước nhưng thất bại ở Caracas khiến ông ở tù hai năm.
Được xem như biểu tượng đầy hy vọng cho một sự thay đổi, sáu năm sau đó ông Chavez lãnh đạo đảng Fifth Republic Movement giành chiếc ghế tổng thống Venezuela với tỉ lệ phiếu bầu 56%. Tranh thủ sự ủng hộ, ông cho sửa hiến pháp cho phép kéo dài thời gian cầm quyền với lý do cần thời gian để cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa bám rễ.
Ông Gott, người từng phỏng vấn và trò chuyện với ông Chavez nhiều lần từ khi ông mới bắt đầu lên nắm quyền, cho rằng hình ảnh xấu xí của ông Chavez trên truyền thông phương Tây chỉ là sự thổi phồng và vì ông là một kẻ khác người khi chống lại quốc gia mà nhiều nước muốn trở thành đồng minh là Mỹ. Ông đánh giá người đứng đầu Venezuela có tham vọng đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nghèo và có tầm nhìn xa về ngành dầu mỏ khi vực dậy tổ chức các nước sản xuất dầu OPEC.
Nhờ nỗ lực ban đầu của ông Chavez, giá dầu đã tăng từ 10USD/thùng năm 1998 lên gấp mười lần năm 2012. Ngoài ra, cần thừa nhận rằng những chính sách kinh tế bị mỉa mai là ngu ngốc của lãnh đạo Venezuela không làm nước này sụp đổ như hàng loạt quốc gia châu Âu mới đây.
Một trong những công cụ yêu thích của ông Chavez để tiếp cận dân chúng chính là chương trình “Xin chào Tổng thống”, nơi ông thường đăng đàn nói về các ý tưởng chính trị, phỏng vấn khách mời hay ca hát và nhảy nhót. Tại đây ông cũng đưa ra những chỉ trích giới nhà giàu và Washington. Ông có lần tả những lãnh đạo công ty dầu mỏ là “bọn chỉ biết sống trong những căn nhà gỗ sang trọng, làm tình tập thể và uống rượu whisky”.
Nhiều người gọi tổng thống Venezuela là người phát ngôn cho những kẻ nghèo hèn nhưng một số cho rằng ông ngày một chuyên quyền. Rory Carroll, làm phóng viên của tờ báo Anh Guardian đóng tại Caracas trong sáu năm, mô tả ông Chavez là một lãnh đạo sẵn sàng loại bỏ những ý kiến chống đối, thường bằng cách đơn giản nhất là buộc tòa gán cho họ tội tham nhũng.
Manuel Rosales, đối thủ chạy đua vào ghế tổng thống cùng ông Chavez năm 2006, đã phải bỏ sang Peru hay cựu bộ trưởng quốc phòng Raúl Baduel ngồi tù tám năm sau khi tỏ ý chống đối tổng thống. Trong bầu cử, những ai bỏ phiếu chống lại ông coi như cầm chắc khả năng xin vào làm trong các cơ quan nhà nước.
“Venezuela là nơi bạn có thể làm mọi điều mình muốn, cho đến khi tổng thống bảo không được làm vậy”, ông Carroll cho biết. Kinh tế Venezuela dù không bất ổn nhưng cũng không khá lên được với tỉ lệ đói nghèo và thất nghiệp vẫn cao bất chấp sự giàu có về dầu mỏ.
Người dân Venezuela thấp thỏm vì sức khỏe của ông Chavez năm 2011 sau khi có tin ông mắc bệnh ung thư. Đầu năm 2012, ông bắt đầu các đợt điều trị tại Cuba nhưng vẫn đủ sức giành được thêm một nhiệm kỳ tổng thống sáu năm. Đầu 2013, sau nhiều tháng gần như biến mất trên chiến trường cũng như không thể tham gia lễ nhậm chức tổng thống, tin đồn lãnh đạo kỳ cựu Chavez sắp chết ngày một lan rộng dù Caracas cho đăng hình ông tươi cười trên giường bệnh cùng gia đình.
Đến ngày 5-2, chính quyền Venezuela thừa nhận tình trạng sức khỏe của ông Chavez “cực kỳ mong manh”. Trên truyền hình quốc gia, bộ trưởng truyền thông Venezuela Ernesto Villegas cho biết ông Chavez bị nhiễm trùng nặng đường hô hấp.
Một số chuyên gia cho rằng cuộc sống của ông Chavez chỉ tính theo ngày và có thể tắt bắt cứ lúc nào. Trong khi đó, người dân, gồm ủng hộ và phản đối tổng thống, đều yêu cầu chính phủ cung cấp thông tin về tình hình bệnh tật của ông Chavez.
“Sự thật là chúng tôi chẳng biết chuyện gì đang xảy ra. Có rất nhiều tin đồn và biết tin vào ai. Chúng hy vọng ông ấy vượt qua được”, Libardo Rodriguez, một người bán nước cam trên vỉa hè ở thủ đô Caracas nói. Nhiều viễn cảnh đã được vẽ ra sau cái chết của tổng thống Venezuela, gồm cuộc chiến tranh giành khoảng trống quyền lực mà ông để lại.
Thực ra từ trước đó, ông Chavez đã chỉ định phó tổng thống Nicolas Maduro thay ông điều hành quốc gia. Tuy nhiên phe đối lập có thể viện cớ ông Chavez chưa tuyên thệ nhậm chức để kêu gọi một cuộc bầu cử khác.
“Ký ức về ông Hugo Chavez sẽ sống mãi tại Mỹ Latin, cùng với Simón Bolívar và Che Guevara, như một lãnh đạo có sức ảnh hưởng lớn”, Richard Gott viết.
- Theo TTO