Hướng dẫn người dân tự đăng ký lưu trú ngay tại nhà, chỉ 5 phút là thành công

19:18, Thứ sáu 14/04/2023

( PHUNUTODAY ) - Theo Khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú, khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.

Trường hợp nào phải thông báo lưu trú

Theo Khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú, khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.

Nếu như người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.

Căn cứ theo khoản 4 Điều 30 Luật cư trú, việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú. Nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú trước 8 giờ ngày hôm sau.

Nếu là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

Thông báo lưu trú bằng ứng dụng VNeID như thế nào?

Theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 55/2021/TT-BCA, việc thông báo lưu trú có thể được thực hiện trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan đăng ký cư trú quy định; thông qua số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo, niêm yết; thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Bên cạnh đó, người dân hoàn toàn có thể thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID. Dưới đây là hướng dẫn các bước cụ thể:

Bước 1: Vào app VNeID. Chọn thủ tục hành chính

Nếu như chưa có tài khoản định danh điện tử bạn xem thêm Hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử trên điện thoại.

Bước 2: Chọn “Thông báo lưu trú”

Bước 3: Chọn “Tạo mới yêu cầu”

Bước 4: Chọn “Cơ quan công an thực hiện”. Bạn lưu ý phải chọn cả cấp tỉnh, huyện, xã

Bước 5: Chọn loại hình cơ sở cư trú, bao gồm:

- Cơ sở lưu trú du lịch.

- Ký túc xá sinh viên.

- Cơ sở khám chữa bệnh.

- Hộ gia đình.

- Nhà ngăn phòng cho thuê.

- Cơ sở khác.

Bước 6: Chọn tên cơ sở lưu trú.

Sau khi nhập đầy đủ thông tin tại các bước trên, ứng dụng sẽ hiển thị tên danh sách các cơ sở lưu trú.

Bước 7: Chọn tiếp tục. Sau đó chọn xác nhận.

Bước 8: Chọn “Thêm người lưu trú”

Bước 9: Điền thông tin của người lưu trú.

- Nếu người thông báo lưu trú đồng thời là người lưu trú thì người dân tick vào ô như trên hình, sau đó hệ thống sẽ tự điền thông tin.

- Nếu người thông báo lưu trú không phải là người lưu trú thì phải tự điền các thông tin như ứng dụng yêu cầu.

Bước 10: Điền thông tin lưu trú.

Bước 11: Bấm “Lưu”

Bước 12: Bấm “Gửi yêu cầu”

Màn hình sẽ hiển thị để xác nhận lại thông tin của người lưu trú để chúng ta rà soát lại các thông tin, sau khi hoàn tất thì chọn “Gửi yêu cầu”.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy