Kẻ nhập vai thám tử nghiệp dư: Con gái GS Hiếu (1)

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Mọi chuyện được bắt đầu vào đúng lúc vụ án “Hành tinh Quan tài” kết thúc… Đây là một trong những vụ án hình sự nổi tiếng nhất trong lịch sử tư pháp Việt Nam, kéo dài ròng rã nhiều năm trời, làm tốn kém không biết bao nhiêu giấy mực.

Bảy bị cáo lãnh án tử hình và trong số những kẻ phải ra đứng trước vành móng ngựa có Lâm Hùng, nguyên kí giả kiêm nhà văn, có số phận đặc biệt éo le hơn cả. 

Cô con gái rượu của GS Hiếu

Mãi đến lúc Mi Trang chạy ùa vào phòng như một làn gió, ríu rít  chuyện trò, giáo sư mới tạm quên đi những ám ảnh hãi hùng...

Cô hào hứng bình luận:

- Con không ngờ điện ảnh Việt Nam cũng có bộ phim không đến nỗi nào. Thật tuyệt vời nếu các nhà làm phim của chúng ta thôi coi thường khán giả của mình, quan tâm khai khác chiều sâu nội tâm nhân vật và những tấn bi kịch trong đời thường.

Cô tỏ vẻ chưng hửng khi giáo sư  sốt ruột bảo con:

- Mi Trang, ngồi xuống đây… Ba có chuyện muốn nói với con!

Rồi ông hạ thấp giọng, kể lại đầu đuôi nội vụ. Mi Trang tay chống cằm, chăm chú nghe và chờ giáo sư kể hết mới mỉm cười, hỏi:

- Thế khi tắt đèn bước ra vườn, ba có coi đồng hồ không?

- Không. Giáo sư quả quyết đáp.

- Và khi quay về, ba càng không coi đồng hồ?- Cô điềm tĩnh hỏi.

- Tất nhiên, lúc ấy ba đang mải suy nghĩ đến những con số khác thường trong một bản tường trình kết quả thí nghiệm. Rồi khi phát hiện ra chiếc chao đèn bị nung nóng, ba rợn người.

Ông thành thực thú nhận. Mi Trang nhìn thẳng vào mắt cha:

- Như vậy làm sao ba biết thời gian ba rời khỏi phòng là một giờ đồng hồ?

- Ấy, thì ba cũng đoán chừng- Giáo sư ngượng nghịu đáp.

- Ba thấy chưa, suy nghĩ căng thẳng vì những  vấn đề  bế tắc  trong nghiên  cứu, cảm giác về thời gian trôi tuột khỏi sự kiểm soát của ba nên ba tưởng giờ giấc trôi đi mau lẹ như tên bắn. Trên thực  tế, ba  chỉ rời phòng khoảng  mười lăm phút và chiếc chao đèn chưa kịp nguội đi mà thôi!

Cô dõng dạc kết luận. Giáo sư cười hồn nhiên, ngượng  ngùng pha lẫn chút  nhẹ nhõm. Thôi, con kể thử coi, Toàn định bao giờ làm đám cưới?

Mi Trang ngồi lên thành ghế dựa, âu yếm ngả đầu xuống vai cha, thì thầm:

- Ba, ba nói thật đi... Ba có thương Toàn không?

Ông bật cười, khẽ véo má con gái:

- Thôi đi cô, khôn vừa chớ. Cô dư biết là tôi mê  thằng Toàn, tôi sẵn sàng dùng những chữ hay nhất, đẹp nhất tặng người yêu của cô. Cô  khoái nghe  những chữ đó lắm phải không?

Hình như Mi Trang xúc động, cố đánh trống lảng bằng cách nhõng nhẽo vòi vĩnh:

- Từ nay ba đừng làm việc khuya quá nữa. Ba bệnh, ai có đủ sức thay ba, hoàn thành cái dự án vĩ đại ấy ? Con nói thật, ba không nghe lời con, con sẽ  không yên  tâm đi  đâu hết. Con sẽ ở đây chăm lo cho ba ăn, nghỉ ngơi và...

Tự dưng hai giọt lệ trào ra khỏi mi mắt giáo sư, Mi Trang bối rối:

- Kìa, sao ba lại…?

- Không, ba đâu có sao... Thôi, con đi ngủ  trước đi. Ông dịu  dàng bảo  con. Mi Trang miễn cưỡng đứng dậy...

Còn lại một mình trong căn phòng  vắng lặng, đối diện  với cái  bóng cô  quạnh của mình chập chờn hắt lên bức tường trắng lạnh, giáo sư bồi hồi thả  trôi dòng ý nghĩ chìm vào hồi tưởng về  một thời  thương yêu,  một thời giông bão...

Vợ ông đang có bầu Mi Trang thì ông phải xuống  tàu ở  Quy Nhơn  ra Bắc  tập kết. Đêm cuối cùng bên nhau, chính ông lại khóc nghẹn ngào:

- Anh đi xa, em ở lại, không bà con thân thích, bạn bè, ai sẽ là người giúp em khi sanh nở? Hãy tha lỗi cho anh, đất  nước bị  chia cắt  thì mỗi gia đình cũng khó mà đoàn tụ trọn vẹn... Mai mốt, nếu sanh con trai, em hãy đặt tên con là… Còn nếu là con gái, hãy gọi con là Mi Trang. Quê hương mình là ở Nha Trang, nhưng anh  và em lại gặp và thương nhau, nên nghĩa vợ  chồng ở Trà Mi, Quảng Nam… 

Không hiểu sao, anh cứ nghĩ con mình sẽ là Mi Trang. Khi con lớn lên, em hãy  trao cho con vật kỉ niệm này và kể cho con nghe về tất cả những gì đã xảy ra trong đêm nay. Đây là chiếc đồng hồ quả quít chiến lợi phẩm. Đích thân ông Chủ tịch Uỷ ban hành chánh kháng chiến phân khu Nam, thưởng cho anh  vì  những thành tích của anh  ở Công binh xưởng...

Con tàu đã nổi hiệu còi dài, xé lòng như nói thay bao người một  lời giã  biệt. Rưng rưng nước mắt, ông nhìn mãi hình bóng nhỏ nhoi, mỗi lúc  một nhạt nhoà của người vợ trẻ trên bến Quy Nhơn. Và đó cũng là lần cuối cùng vợ chồng ông nhìn thấy nhau... Nhưng dù sao bàn tay tàn khốc của định mệnh cũng còn chừa một chỗ cho ông bấu víu, cho ông hy vọng sau những năm tháng chia ly,  khổ đau dằng dặc. Giáo sư đã được gặp đứa con gái của  mình sau ngày giải phóng. Và hiện giờ Mi Trang đã trở thành một bác sĩ. Vài ngày nữa, cô sẽ bay ra Hà Nội dự khoá bồi dưỡng chuyên khoa ngắn hạn...

Dù đôi trẻ chưa chính  thức thông báo, nhưng ông cứ đinh ninh lễ cưới của con ông  và kĩ  sư Toàn sẽ được tổ chức vào mùa thu này, trước khi ông và Toàn lên đường dự một hội nghị quốc tế chuyên đề “Khai thác tài nguyên dưới  đáy đại  dương và biển", của các nước thành viên khối SEP tại Max-cơ-va...

Câu chuyện về “hiện tượng cái chao đèn nóng bất thường” tưởng chừng đã được Mi Trang giải thích hợp lý, lúc mọi việc trôi chảy hoặc tâm trạng nhẹ nhõm, giáo sư không bận tâm  nhớ nữa. Nhưng cứ hễ trái gió trở trời hay công chuyện trục trặc, nó lại hiện lên ám ảnh ông. Chiều nay cũng vậy, đại uý Ba Khanh, người được bên an  ninh giao nhiệm vụ bảo vệ những bí mật chứa đựng trong dự án “Khuấy biển sữa”, giọng không lấy gì làm vui vẻ cho lắm, phàn nàn rằng: Hình như quy trình bảo mật tại Trung tâm không được nhắc nhở thường xuyên, thậm chí, có nhân viên văn thư đã mang bán cho những người thu gom giấy, báo cũ…, mấy chục kí hồ sơ thanh lý, trong đó có cả một biên bản nghiệm thu một công đoạn nghiên cứu nào đó! 

Tất nhiên, chuyện này chưa đến nỗi trầm trọng để gióng lên lời báo động, nhưng giáo sư vẫn cảm thấy như mình có lỗi. Thế là, sau khi tiễn Ba Khanh ra cửa, giáo sư lại nhớ đến cái “chao đèn nóng” và gọi kĩ sư Toàn lên phòng mình…

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn
TIN MỚI CẬP NHẬT