Sagada là một trong những cộng đồng sống ở vùng nông thôn Philippines, nổi tiếng với tập tục tang lễ truyền thống, được cho là một sáng kiến mang lại hiệu quả tính tích cực cho hệ sinh thái. Đó là việc mang thi thể người chết trong dòng tộc mình đặt trong một chiếc quan tài là một khúc gỗ rỗng, sau khi đã đục khoét đủ vừa để đặt người chết. Thay vì đào huyệt chôn người chết thông thường, họ lại treo bên trong các hang động hoặc trên vách đá gần quan tài của tổ tiên mình.
Nghi thức tang lễ có từ nghìn năm trước, lấy cảm hứng từ thuyết vạn vật hữu linh – mọi sinh linh sẽ rời khỏi thế giới theo cách họ xuất hiện từ khi chào đời.
Phần lớn quan tài gỗ thông đều có kích thước nhỏ, người chết sẽ được đặt trong áo quan với tư thế bào thai.
Cách mai táng người chết kì lạ này cũng xuất phát từ suy nghĩ thực tế là không muốn nguồn tài nguyên đất canh tác quý giá của mình bị ảnh hưởng bởi những hóa chất, hay vật dụng không thể phân hủy mà người ta thường có xu hướng chôn theo cùng với thi thể.
Hơn nữa, việc này có tác dụng lớn trong việc tiết kiệm diện tích đất. Theo thời gian, số lượng quan tài treo trên vách đá càng nhiều, những chiếc quan tài nhiều tuổi mục nát và rơi xuống đất, trong khi những chiếc quan tài mới lại được treo lên thay vào vị trí quan tài đã rớt. Họ đặt lẫn lộn những chiếc quan tài mới cũ với nhau và phân biệt tuổi đời của chúng dựa vào màu sắc của gỗ.
Tuy nhiên những ảnh hưởng từ Kitô giáo sau này khiến nghi lễ mai táng trên vách núi biến mất. Quan tài cuối cùng được treo lên vào năm 2010.