Các bậc cha mẹ thường tùy theo tâm trạng của mình mà dạy dỗ con cái, tự cho rằng “yêu cho roi cho vọt” sẽ không làm đứa trẻ tổn thương. Nhưng thực tế, chỉ với những câu nói vô tình, người lớn đã không ít lần làm tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ. Cha mẹ là cả thế giới của con cái, vì thế, nếu bạn yêu thương con và mong muốn con mình lớn khôn thì hãy lưu ý đến 12 câu nói dưới đây.
“Cấm khóc!”, “Cấm gào thét!”
Khi trẻ nhỏ khóc nhè, thậm chí còn hét lên, đó là vì chúng không biết làm thế nào để bố mẹ hiểu được tâm trạng của mình. Nếu như cha mẹ không màng đến và cũng không quan tâm đến cảm xúc của con cái, thì họ không chỉ khiến đứa trẻ nghĩ rằng chúng sai, mà nghiêm trọng hơn, chúng sẽ không biết sai mình ở chỗ nào, phải làm đúng ra sao, và rồi sinh ra tâm lý sợ hãi.
Trước tiên, các bậc cha mẹ nên tìm hiểu tâm tình của con trẻ rồi sau đó mới dạy bảo. Ví dụ như cha mẹ có thể nhẹ nhàng nói: “Nào, con khóc xong chưa? Lại đây mẹ ôm con một chút!” Sau đó gợi mở để con biểu đạt chính xác suy nghĩ của mình.
Thực tế, chỉ với những câu nói vô tình, người lớn đã không ít lần làm tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ (Ảnh: internet) |
“Con không nghe lời, mẹ sẽ không thèm quan tâm tới con nữa!”hay “Con lại muốn bị đánh nữa à?”
Những câu nói này không khác gì lời dọa nạt trẻ. Đây là cách hành xử mà các bậc cha mẹ hay sử dụng trong mọi hoàn cảnh. Nhưng chính cách uy hiếp này lại khiến hiệu quả càng ngày càng yếu hơn.
Thay vào đó, bậc cha mẹ có thể đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ để chúng không còn nóng giận hay khóc lóc nữa, từ đó dạy bảo tại chỗ khi chúng không nghe lời. So với sự uy hiếp thì cách làm này mang lại hiệu quả hơn rất nhiều.
Nếu như dùng bạo lực để dạy bảo trẻ trong tất cả mọi hoàn cảnh, thì khi trưởng thành, chúng cũng lại dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
"Sao mà càng ngày con càng..."
Một đứa bé 6 tuổi khóc chỉ vì không có được thứ đồ chơi mà mình thích, bố mẹ cảm thấy rất khó chịu khi bé không có những biểu hiện như mình mong muốn. Người lớn thường đặt hy vọng và mong chờ con trẻ sẽ có những biểu hiện khác. Có rất nhiều ông bố bà mẹ thường quên mất sự thật là con mình vẫn còn nhỏ nên thường nổi cáu trước những hành động của bé. Khi bạn nói với bé những câu như vậy, bạn thường chỉ nghĩ đơn giản đó là những lời trách móc thông thường. Bạn hét to lên rằng "Sao mà con càng lớn càng không nghe lời thế?". Đừng bao giờ quát to với bé như thế, bạn hãy cố gắng để hiểu cảm giác của bé hơn, khi con vẫn không nghe lời thì hãy dùng những câu nói cùng ý nghĩa nhưng với mức độ nhẹ nhàng hơn như "dạo này hình như con có gì đó khó chịu", hoặc "mẹ biết là con đang không vui, nhưng con không nên làm như vậy", chắc chắn bé sẽ nhận thức được hành động của mình và sẽ ngoan hơn.
“Để xem, cha con về sẽ cho con một trận!”
Lời uy hiếp này sẽ tạo nên một lỗ hổng lớn trong việc dạy bảo con trẻ. Tại sao khi con làm không đúng, mẹ không dạy bảo ngay mà phải chờ đến khi cha về? Làm như vậy, có phải người mẹ đang đẩy trách nhiệm cho cha và tự đánh mất quyền uy của mình? Sau này trẻ sẽ nghĩ, dù mình làm sai thì mẹ cũng không phạt mình, vì vậy không cần phải nghe lời mẹ nữa.
Mặt khác, nếu làm như vậy, có phải người mẹ đang vô tình đẩy tiếng xấu cho người cha? Còn nữa, đợi đến khi cha về đến nhà thì trẻ đã quên mất mình đã làm sai điều gì. Lúc này bỗng dưng vô cớ bị đánh một trận, đứa trẻ sẽ thêm hận cha của chúng.
Đừng để con mình tổn thương vì những câu nói vô ý |
“Tại sao con không biết lễ phép?”
Trong quá trình phát triển của trẻ, có giai đoạn chúng không thích chào hỏi người khác, mặc dù trước đó chúng có thể rất thích chào hỏi, nhưng hiện tại lại không thích nữa. Cha mẹ thường nghĩ rằng con cái không ngoan như trước kia nữa, không nén được tức giận, bèn ép con trẻ phải đi chào hỏi người khác.
Trẻ nhỏ rất hiếu động nên dễ dùng tay chân để phản ứng. Khi không vừa ý, chúng thường nóng nảy và dễ động tay chân đánh người. Ví dụ như, khi bị cha mẹ trêu chọc: “Không cho con thứ này nữa” hoặc “Đem thứ này mang cho bà nội ăn đi!”, đứa trẻ sẽ cứ thế hướng đến bậc trưởng bối mà động thủ.
Đôi khi cha mẹ ở trước mặt người khác mà chê trách rằng đứa trẻ này không lễ phép. Từ nội tâm, chúng sẽ có cảm giác bị cô lập và yếu nhược.
"Mẹ vừa nói với con những gì?"
Về vấn đề này, chắc chắn là bạn đã biết được câu trả lời. Cho nên, câu nói này mang ý nghĩ chỉ trách nhiều hơn. Nếu bạn cho rằng mình dùng những câu nói như vậy để trách móc khi bé không làm được những yêu cầu của mình là bình thường thì bạn đã nhầm. Hãy dùng những câu nói khác nhẹ hơn với thái độ cởi mở để bé ghi nhớ lời của bạn.
“Cha mẹ đang rất bận, con hãy tránh xa một chút.”
Con trẻ luôn coi cha mẹ là cả thế giới đối với chúng. Ấy vậy mà người lớn lại thường dùng lý do này để đẩy chúng ra xa, khiến đứa trẻ có cảm giác cha mẹ không còn yêu quý mình nữa. Vì thế, khi trẻ lớn lên, các bậc cha mẹ sẽ rất khó gần gũi để hiểu được nội tâm của con cái, khó cùng chúng tâm sự, thậm chí còn không thể nói chuyện cùng nhau. Vậy nên hãy dành thời gian cho con trẻ để hiểu suy nghĩ của chúng và có thể tâm sự với trẻ như một người bạn.
Khi cần toàn tâm làm một việc nào đó, bậc cha mẹ cần chuẩn bị trước tâm lý cho trẻ. Ví dụ như: “Mẹ cần tập trung hoàn thành bài viết, chờ mẹ khoảng 1 giờ, sau đó mẹ con mình có thể ra bên ngoài chơi được không?” Đa số những đứa trẻ sẽ vui vẻ gật đầu đồng ý.
“Thật đáng đời! Con không biết rằng không nên làm như thế sao?”
Khi nói ra những lời này, phải chăng cha mẹ đang đẩy đứa trẻ về phía đối đầu với mình? Bậc cha mẹ thường không cho con làm một việc nào đó, nhưng chúng lại hết lần này đến lần khác cứ làm như vậy. Kết quả là chính chúng bị tổn thương, và rồi cha mẹ lại nói những lời ghẻ lạnh.
Kỳ thật, con cái rất cần cha mẹ tha thứ và chỉ dạy tỉ mỉ, bởi ngay cả người lớn cũng luôn phạm sai lầm huống hồ là con trẻ. Cho nên làm cha mẹ, chúng ta càng cần kiên nhẫn dạy dỗ và không ngừng giúp chúng sửa chữa lỗi lầm, chứ không phải là ngồi đó mà mắng những lời khiến chúng bị tổn thương.
"Đừng có chạy, ngã bây giờ"
Ý của bạn đương nhiên là tốt, cha mẹ bao giờ cũng có tâm lý muốn bảo vệ những đứa con của mình. Thế nhưng, cách nói của bạn sẽ làm cho bé mất tự tin vì nó giống như một lời cảnh cáo. Bạn nói thế gần như là một dự đoán rằng nếu chạy tiếp chắc chắn bé sẽ bị ngã. Với những đứa bé có ý thích tự lập khi nghe thấy câu nói này sẽ cảm thấy như đó là một lời đả kích. Thay vì nói câu đó, tốt nhất là bạn hãy nói rằng "trước khi chạy con nhớ phải chú ý tới dây giày nhé". Lúc đó bé sẽ hiểu rằng mình phải cẩn thận hơn.
Không nên làm cho bé cảm thấy bị tổn thương, vì rất có thể những câu nói của bạn sẽ trở thành nỗi ám ảnh theo bé suốt thời thơ ấu. |
“Hãy xem, trông con kỳ lạ lắm!”
Câu nói này vô tình khiến con trẻ cô lập với những đứa trẻ khác. Việc đó không những không giúp chúng thay đổi, mà ngược lại, làm cho trẻ không hiểu lỗi của mình ở đâu, dần dần mất tự tin vào bản thân, thậm chí sẽ khiến chúng nghĩ rằng: “Mẹ không yêu con.”
Vậy nên, muốn con làm nên nghiệp lớn, bậc cha mẹ hãy tìm hiểu xem trẻ muốn được phê bình như thế nào. Cha mẹ nên khích lệ và cổ vũ chúng chính xác và kịp thời, để con biết yêu thương những đưa trẻ khác. Đây chẳng phải là cách dạy tốt nhất và tạo nên hình ảnh của con mình thật tuyệt vời trong mắt bạn bè hay sao?
Đe dọa bé
Bạn cho rằng chơi cùng với bé chỉ là việc đơn giản. Nhưng thật ra đó lại là một cách để bạn dạy cho bé biết tiếp thu những kiến thức trong cuộc sống. Khi bé làm bạn cáu và nhất định không chịu nghe lời. Tuy nhiên không nên dùng những lời đe dọa để khiến bé sợ mà ngoan hơn. Tâm lý trẻ thơ rất yếu, và cách làm của bạn sẽ chỉ khiến bé thấy sợ và không muốn gần bạn nữa. Đó chẳng phải là một cách làm phản tác dụng hay sao?
Làm cha mẹ, trách nhiệm của bạn là phải chăm lo và chú ý tới sự phát triển toàn diện của bé. Nhưng không phải là bạn dùng những lời đe dọa vì điều đó thật sự làm cho bé mất niềm tin vào cuộc sống.
Sử dụng lời khen một cách hời hợt: “Con thật giỏi!”, hay “Con thật thông mình!”
Giúp con chuyên tâm làm tốt một việc nào đó, chúng ta phải thật tâm khen ngợi con đúng thời điểm. Thường thì bậc cha mẹ rất vội vàng, không xem kỹ những việc mà con trẻ làm đã vội khen. Đối với trẻ em, lời khen ấy thường không có ý nghĩa. Sau này chúng sẽ không cần đến sự ủng hộ của cha mẹ bằng những lời khen qua loa cửa miệng như thế.
Vì điều con trẻ cần chính là sự công nhận thật sự của cha mẹ, là lời khen ngợi thật lòng. Làm được như thế mới giúp cho con cái càng ngày càng hoàn thiện bản thân hơn.
Nuôi con mà không dạy dỗ là lỗi của cha mẹ; và dạy con không đúng cách có thể khiến con cái cả đời hư hỏng! Vì để con ngày một tốt hơn, khỏe cả về thân thể lẫn tinh thần, cha mẹ cần luôn học hỏi và không ngừng hướng dẫn con sửa sai. Đây vừa là trách nhiệm và vừa là cách dành tình yêu tốt nhất cho con cái.
|