Khăn mặt, khăn tắm là vật dụng không thể thiếu trong gia đình. Chúng được sử dụng hàng ngày nên nếu không được vệ sinh thường xuyên thì khăn sẽ trở thành nơi cư trú của vi khuẩn, gây ra các vấn đề về da như viêm chân lông, nổi mụn, dị ứng...
Rất nhiều người gặp tình trạng khăn mặt, khăn tắm giặt thường xuyên mà vẫn bị nhớt dính, có mùi hôi khó chịu. Để giải quyết vấn đề này, bạn hãy làm theo mẹo nhỏ dưới đây.
Nguyên nhân khiến khăn mặt, khăn tắm bị nhớt dính
Sau khi sử dụng, nhiều người treo khăn mặt, khăn tắm trong nhà tắm, nhà vệ sinh. Đây là nơi có độ ẩm cao, rất thích hợp để các loại vi khuẩn phát triển, sinh sôi. Nó là một trong những nguyên nhân khiến khăn có mùi và bị nhớt dính.
Ngoài ra, trên da của chúng ta luôn có những tế bào chết. Khi sử dụng khăn để lau, các tế bào chết đó rơi ra và bám lên khăn. Việc giặt thông thường không thể loại bỏ hoàn toàn các cặn bẩn này. Về lâu dài, nó trở thành "miếng mồi" lý tưởng cho vi khuẩn và khiến khăn có mùi hôi, bị nhớt.
Mẹo làm sạch khăn
Làm sạch bằng muối
Bạn hãy cho khăn vào chậu nước với một ít muối. Thêm xà phòng vào và vò nhẹ cho các chất hòa tan vào nước, ngấm vào khăn. Ngâm khăn trong đó khoảng 10 phút.
Sau đó, vò lại khăn để loại bỏ hết chất bẩn. Giặt khăn nhiều lần với nước sạch rồi đem phơi ở nơi khô thoáng.
Làm sạch khăn bằng giấm trắng
Pha loãng giấm trắng với nước theo tỷ lệ 1:10 rồi bỏ khăn vào ngâm trong đó khoảng 15 phút. Tiếp đến, dùng bột giặt để loại bỏ các vết bẩn bám trên khăn. Cuối cùng, giặt lại khăn bằng nước sạch rồi phơi dưới nắng cho khô.
Baking soda
Baking soda là nguyên liệu có khả năng khử khuẩn, tẩy sạch các vết ố bẩn. Bạn có thể sử dụng nó để làm sạch khăn.
Đầu tiên, hãy rắc baking soda lên bề mặt khăn rồi ủ khăn trong khoảng 20-30 phút. Sau đó, đem khăn đi giặt lại với xà phòng và nước sạch. Baking soda sẽ giúp làm sạch khuẩn, loại bỏ các vết bẩn và làm sạch nhớt, giúp khăn trở lại trạng thái ban đầu.
Lưu ý để khăn không bị nhớt
Khử trùng thường xuyên
Để khăn luôn sạch sẽ, không bị hôi và nhớt, bạn nên thường xuyên khử trùng khăn. Có thể dùng nước nóng để ngâm khăn mỗi tuần một lần giúp tẩy sạch chất bẩn trong khăn.
Thay khăn định kỳ
Đối với khăn mặt, bạn có thể thay mới sau mỗi 3 tháng để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình.
Phơi ngoài trời nắng
Nhà tắm là nơi ẩm ướt nên vi khuẩn sinh sôi rất nhanh. Do đó, mỗi lần dùng xong, bạn nên giặt sạch khăn rồi đem phơi ở nơi khô ráo, tốt nhất là có ánh nắng mặt trời để khử khuẩn, giúp khăn sạch sẽ và bền hơn.
Không dùng chung khăn với người khác
Mỗi người trong nhà đều cần có khăn riêng. Không nên sử dụng khăn chung với nhau để tránh làm vi khuẩn lây lan chéo, gây ra tình trạng nổi mụn, mẩn đỏ.