Không mở rộng áp dụng SGK của phương pháp "vuông vuông tròn tròn" trong thời gian tới

( PHUNUTODAY ) - Trước những bất đồng trong dư luận xã hội về chương trình Công nghệ giáo dục, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản hướng dẫn đến các địa phương.

Trao đổi với báo chí về dư luận xã hội đang xôn xao cách dạy tiếng Việt 1 – theo tài liệu Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GD&ĐT cho biết, để tăng cường chất lượng tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc ở các vùng khó khăn, Bộ GD&ĐT đã đồng ý cho thử nghiệm tài liệu tiếng Việt công nghệ giáo dục (gọi là tài liệu tiếng Việt chứ không phải sách giáo khoa)

Tài liệu tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục là thành quả của một tập thể các nhà khoa học, đứng đầu là Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Chương trình được thí điểm từ năm 1978 đến nay. Bộ tài liệu này được áp dụng tại một số địa phương, hiện có 49 tỉnh tham gia, tuy nhiên không phải tỉnh nào cũng tham gia 100%, như tỉnh Quảng Nam, Bình Phước chỉ có 45% trường tiểu học tham gia...

Bộ sách Tiếng Việt - CNGD sẽ không được áp dụng đại trà

Bộ sách Tiếng Việt - CNGD sẽ không được áp dụng đại trà

Qua những năm triển khai, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định tiếng Việt - công nghệ giáo dục được các nhà trường, các thầy, cô giáo đón nhận và thực hiện có kết quả nhất định.

"Vừa qua dư luận có nhiều ý kiến về cách đánh vần trong tài liệu này, nhưng theo chúng tôi đây là vấn đề hết sức bình thường. Những giải pháp sư phạm mà mỗi một tài liệu, một bộ sách giáo khoa đặt ra cách tiếp cận để cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1 biết đọc, biết viết.

Thế mạnh của tài liệu tiếng Việt công nghệ này là học sinh đọc thông, viết thạo, nắm chắc được quy tắc chính tả. Do đó, năm học 2018 – 2019, tiếp tục triển khai tài liệu tiếng Việt 1– Công nghệ giáo dục ở những địa phương đang triển khai theo nguyên tắc tự nguyện nhưng không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới", ông Đức nhấn mạnh.

Theo một số giáo viên dạy lớp 1 tại TP.HCM, nội dung cuốn sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục có nhiều từ ngữ địa phương như “gà qué”, “con rơi/dơi”… khá xa lạ với học sinh và khác với sách Tiếng Việt lớp 1 phổ thông, nếu áp dụng đại trà sẽ gây không ít khó khăn cho cả giáo viên và học sinh.

Trước những thông tin áp dụng sách này trong năm học mới, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định, TP.HCM không đưa sách này vào giảng dạy.

Còn tại Bình Phước, ông Trần Văn Thường, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GDĐT tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 trường với 67 lớp học triển khai dạy và học môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. Như vậy, năm nay, có 1.872 em học theo sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, chiếm 8,9%.

Những huyện triển khai dạy sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là huyện Bù Đăng, huyện Bù Đốp, huyện Lộc Ninh...

Theo ông Thường, 14 trường triển khai dạy sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là những trường vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn và đa số là học sinh dân tộc thiểu số. Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tại các vùng này.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link