Cuộc sống hiện tại với đầy rẫy những bon chen, luôn trong vòng quay gấp gáp. Ai cũng muốn nhanh chong, làm nhanh, nghĩ nhanh, quyết định nhanh và truy cầu giàu có một cách nhanh chóng, kiểu “giàu có chỉ sau một đêm”, miễn là có tiền thì việc gì cũng có thể làm.
Tuy nhiên cổ nhân có câu “Dục tốc thì bất đạt”, ý là muốn nhanh việc thì sẽ không đạt, hay nóng vội thì sẽ không thành công. Vì vậy con người làm việc gì cũng không được nôn nóng, hấp tấp, chỉ nhanh muốn có thành quả, vì càng như vậy thì kết quả đạt được sẽ càng không như ý muốn của mình. Vế sau của câu nói này là: "Ham lợi nhỏ sự không thành".
Vậy ý nghĩa thực sự của câu: "Dục tốc bất đạt" là gì?
Thời Xuân Thu từng có một vị quan viên tên Tử Hạ, anh ta rất mơ hồ về công việc cũng như tương lai của mình, bèn đến gặp thầy mình là Khổng Tử, hy vọng được Khổng Tử giúp đỡ.
Gặp được Khổng Tử, Tử Hạ liền hỏi thầy: “Thưa thầy, làm sao để trị vì tốt một địa phương ạ?”
Khổng Tử nghe xong, nói với anh ta: “Nếu con đã chọn con đường làm quan, thì con phải biết kiên nhẫn, phải biết nhìn xa trông rộng, vững bước cầu tiến, không được chỉ vì cái lợi trước mắt, nếu không cuối cùng chỉ có thể dục tốc mà bất đạt, thậm chí mọi nỗ lực con bỏ ra trước đó đều đổ sông đổ biển”.
Tử Hạ sau khi nghe xong lời dạy bảo liền bừng tỉnh. Ông quay về làm việc cần cù chăm chỉ, không còn nóng lòng muốn đạt được thành quả. Một thời gian sau quả thật đã làm nên đại sự.
Khổng Tử đã từng nói: Không ham nhanh, không ham lợi nhỏ. Làm nhanh dễ hư chuyện; ham lợi nhỏ thì không làm nên được chuyện lớn. Bởi con người một khi vì cái lợi trước mắt, sẽ dễ dẫn đến mù quáng hoặc quên kế hoạch ổn định lâu dài. Tích lũy dần dần thì sẽ có phú quý lâu bền. Muốn tích lũy, tốt nhất là nên chậm và chắc.
Câu nói của Khổng Tử chính là muốn khuyên chúng ta khi làm việc gì đó thì phải làm từng bước từng bước, theo tuần tự mà làm, quá nôn nóng, ham mau, ham lợi ích nhỏ trước mắt thì ngược lại không thể đạt được mục đích.
Khổng Tử đã từng nói: "Không ham nhanh, không ham lợi nhỏ. Làm nhanh dễ hư chuyện; ham lợi nhỏ thì không làm nên được chuyện lớn. Không thể mù quáng theo đuổi tốc độ, không thể chỉ vì cái lợi trước mắt. Tích lũy dần dần thì sẽ có phú quý lâu bền. Tích lũy là điều kiện đầu tiên của thành công. Muốn tích lũy, tốt nhất là nên chậm và chắc".
Vội vàng quyết định thì dễ phạm sai lầm
Đời nhà Minh có một viên quan chuyên lo việc xử án ở địa phương. Tác phong làm việc của ông này vô cùng đặc biệt, mỗi lần có người đến đây tố tụng, sau khi tìm hiểu nội tình vụ án, nếu như cảm thấy không khẩn cấp, ông liền bảo những người đến thưa kiện rằng, ngày mai hãy đến.Dần dần, ai ai trong vùng cũng đều chế nhạo ông, cho rằng ông lười biếng, không chú tâm vào công việc.
Trên thực tế, họ không biết rằng những người đến kiện chỉ vì họ tức giận nhất thời, sau một đêm, họ sẽ suy nghĩ lại và rất có thể sẽ rút lại hành động của mình. "Đến ngày mai mới xử" thật ra là cho những người đến kiện một khoảng thời gian để suy nghĩ lại và cũng cho chính viên quan chức có đủ thời gian để bình tâm suy nghĩ vụ việc cho thấu đáo, tránh những trường hợp oan sai.
Nếu thật sự thận trọng, không vội vàng, chúng ta sẽ tránh được những sai lầm không đáng có. Dục tốc bất đạt, muốn đưa ra quyết định một cách đúng đắn, đầu tiên phải tịnh tâm, sau đó bình tĩnh suy xét, từ đó mới có thể quyết định một cách khôn ngoan.
Có nhìn xa thì mới thấy được nhiều điều hay
Trong lịch sử có rất nhiều tấm gương luôn cân nhắc kỹ lưỡng, suy nghĩ sâu xa, chậm rãi và cuối cùng giành được chiến thắng. Thời Tam Quốc Lưu Bị và Gia Cát Lượng là một ví dụ điển hình nhất.Khi Gia Cát Lượng còn đang cày cấy ở Nam Dương, không bởi do lòng đầy hoài bão mà khi Lưu Bị tới mời đã vội vàng bước lên vũ đài Tam quốc ngay.
Còn Lưu Bị tuy một lòng mưu cầu đại nghiệp, khi đó thời gian quý như vàng nhưng cũng không vì chuyện đến bái kiến Gia Cát Lượng bị từ chốt một lần mà từ bỏ. Gia Cát Lượng và Lưu Bị đều biết rõ đạo lý của "dục tốc bất đạt", đứng trước việc lớn không thể nóng vội. Ba lần đến bái kiến không chỉ thử thách lòng kiên nhẫn của Lưu Bị mà còn hiển lộ ra tầm nhìn xa trông rộng của Gia Cát Lượng.
Cả hai đều hiểu rằng, người không thể kiên nhẫn đồng nghĩa với không thể coi trọng nhân tài, như vậy thì sẽ khó mà đi xa được, càng khó có thể dựng lên cơ nghiệp vương triều Thục Hán.
Chậm lại là một loại trí tuệ, giả lấy tĩnh chế động
Trong xã hội với nhịp sống bận rộn và nhanh chóng như ngày nay, ai nấy đều tất bật vội vã, lao vào công việc mà thường quên mất lý do xuất phát lúc ban đầu. Có người luôn nôn nóng, ham lợi trước mắt mà cuối cùng trở thành "dục tốc bất đạt", do "ham lợi nhỏ mà việc lớn không thành", người ấy rốt cuộc cũng chẳng làm nên việc gì cả.
Chi bằng hãy bắt đầu từ hiện tại, bước từng bước chầm chậm mà vững chắc.Chậm lại là chỗ dừng chân của những sự việc tốt đẹp trong cuộc sống. Việc gì cũng bao dung thì sẽ không có tranh chấp, chẳng có hung mãnh, cũng chẳng còn hoảng loạn. Ổn định để suy nghĩ tiến bước, chậm rãi để có thành công, đó mới là phương thức đúng đắn của cuộc sống. Một người chỉ có không nóng vội thì tâm trí mới yên định, khi tích lũy đầy đủ rồi thì tự sẽ thành công.