Ngày 2/10/2017, Khoa Gây mê hồi tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân Đồng Thị T.(30 tuổi), thường trú tại Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.
Trước đó, bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân được với chẩn đoán ban đầu bị chảy máu thứ phát sau cắt tử cung bán phần giờ thứ 9 do rau cài răng lược/tiền sản giật nặng/ngừng tuần hoàn, sốc mất máu, rối loạn đông máu, đe dọa tử vong.
Trước đó, bệnh nhân được phẫu thuật lấy thai trong lần sinh thứ 2 là một cháu bé nặng 2,3 kg tại bệnh viện tuyến huyện. Tuy nhiên, sau khi sinh, bệnh nhân rơi vào tình trạng nói trên.
Sau cấp cứu ban đầu, bệnh nhân được chuyển ngay vào phòng mổ cấp cứu và tiến hành hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chỉ định phương pháp Gây mê nội khí quản và Phẫu thuật cắt lọc vết mổ, khâu lại tử cung sau mổ lấy thai.
Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ cắt bỏ sẹo mổ cũ, qua các lớp vào ổ bụng, quan sát ổ bụng có nhiều dịch, khoảng 400ml máu tươi và máu đông. Kiểm tra tử cung đã cắt bán phần, mỏm cắt chảy máu và mặt trước bàng quang chảy máu.
Kíp phẫu thuật tiến hành khâu cầm máu mặt trước bàng quang, khâu lại mỏm cắt tử cung. Lau rửa ổ bụng, kiểm tra cầm máu kỹ, mỏm cắt 2 phần phụ không chảy máu. Đóng bụng theo các lớp giải phẫu cho bệnh nhân, đồng thời trong quá trình mổ cấp cứu bệnh nhân thở máy, đặt catheter động mạch (theo dõi huyết áp liên tục), được dùng các thuốc vận mạch liều cao và truyền 4 đơn vị máu, 4 đơn vị huyết tương giàu tiểu cầu.
Sau phẫu thuật, đến ngày 3/10, sức khỏe sản phụ đang tiến triển tốt.
Theo các bác sĩ, chảy máu sau sinh được coi là một trong những tai biến nguy hiểm cho sản phụ, tỷ lệ tử vong rất cao. Biến chứng này nếu không được phát hiện kịp thời và có biện pháp can thiệp sớm sẽ rất nguy hiểm đối với sản phụ. Với trường hợp sản phụ Đồng Thị T. nhờ xử trí kịp thời, sản phụ đã qua được cơn nguy kịch.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra chảy máu sau khi sinh, các bà bầu nên khám thai đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ trong suốt thời gian mang thai, để nếu có bất thường bác sĩ có thể dự phòng, tiên lượng trước cho bệnh nhân.