Theo truyền thông địa phương, cậu bé Tserin Dopchut được bà chăm sóc nhưng khi bà vừa lơ là, Dopchut đã mạo hiểm đi ra ngoài ngôi làng Khut vốn nằm giữa khu rừng rậm rạp ở Cộng hòa Tuva.
Một cuộc tìm kiếm quy mô được tổ chức sau khi em bé đi lạc trong rừng. Được biết, Dopchut có thể đã đuổi theo một con chó con khi biến mất.
Khi đi lạc, bé chỉ có một thanh sô cô la nhỏ trong túi. Tờ Siberian Times đưa tin em ngủ bên dưới một cây thông rụng lá.
Trong suốt 72 tiếng, em bé may mắn sống sót trước nhiệt độ xuống thấp, sự đe dọa của những con thú hoang và nguy cơ rơi xuống sông chảy siết trước khi được người cậu giải cứu.
“Tình huống đó rất nguy hiểm. Sông Mynas rất lạnh và chảy siết. Nếu một đứa trẻ rơi xuống thì cầm chắc cái chết” – ông Ayas Saryglar, người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng dân sự và Tình trạng khẩn cấp, trả lời phỏng vấn tờ Siberian Times.
“Có sói và gấu trong khu rừng. Lũ gấu giờ đang kiếm ăn cho mùa đông, chúng có thể tấn công bất cứ thứ gì cử động.Ngoài ra, mặc dù ban ngày trời ấm nhưng đêm xuống lại rất lạnh. Nếu mất tích vào ban ngày, cậu bé sẽ mặc không đủ ấm” – ông Saryglar nói thêm.
Cuộc tìm kiếm cả đêm lẫn ngày để cứu bé Dopchut được cả dân làng, cảnh sát địa phương và cả máy bay trực thăng tham gia. Họ truy tìm cả một khu vực rộng lớn lên đến 120 km vuông.
Một nhà chức trách cho biết cậu bé được cứu nhờ nhận ra giọng của chú gọi tên mình. Câu hỏi đầu tiên của bé là liệu chiếc xe hơi đồ chơi của mình có còn tốt không. Theo các bác sĩ, bé Dopchut may mắn không bị thương nghiêm trọng
Nhóm cứu hộ nhanh chóng khen ngợi sự nhanh trí của Dopchut khi tìm được nơi khô ráo dưới chân cây thông và ngủ giữa rễ của nó.
“Cả làng đang mở tiệc ăn mừng sự sống sót kỳ diệu của cậu bé” – lãnh đạo khu vực Sholban Kara-Ool nói.
Bé Dopchut giờ đây có thêm biệt danh mới là Mowgli, đặt theo nhân vật chính của tiểu thuyết “The Jungle Book” (Cậu bé rừng xanh) của nhà văn Rudyard Kipling.
“Cậu bé được dự đoán sẽ trở thành một nhân viên cứu hộ nhờ thể hiện sức chịu đựng đáng kinh ngạc so với tuổi sau khi sống sót một mình trong rừng quá lâu” – trích bài báo của tờ Siberian Times.
Vào năm 2014, một bé gái 3 tuổi người Nga cũng đã sống sót kỳ diệu 11 ngày trong khu rừng Taiga đầy gấu và sói hoang, thuộc Siberia, Nga.
Theo Daily Mail, bé Karina Chikitova sống sót nhờ chú chó nhỏ đã giữ ấm cho em hơn 1 tuần trước khi quay trở về nhà tìm kiếm sự giúp đỡ. Cô bé đã ăn quả dại và uống nước sông ở khu vực có nhiều gấu và sói.
Ngay cả đội tìm kiếm cũng phải rất khó khăn mới đến được nơi cô bé ẩn náu khi phải đối mặt với một con gấu. May mắn không gặp phải sói hoang và gấu nhưng cô bé Karina gặp phải một vết rách ở chân và bị muỗi cắn.
Trước đó, Karina cùng chú chó đã rời khỏi nhà ở một ngôi làng hẻo lánh nhưng không may bị lạc vào khu rừng. Vì khu vực bé Karina trú ẩn có cỏ khá cao nên gây khó khăn cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ.
Về đêm nhiệt độ ở đây khá thấp, chỉ khoảng 6 độ C. Mẹ Karina tưởng rằng con gái đã đi theo cha về quê hôm 27/7. Thực tế, cha Karina không hề nhận ra con gái đã theo sau ông cùng với chú chó và Karina đã bị lạc tại khu rừng Taiga.
Lực lượng cứu hộ chỉ có thể phát hiện vị trí của cô bé khi chú chó quay trở về nhà sau 9 ngày mất tích. Gia đình nghĩ rằng cô bé đã không sống sót nhưng sau đó chú chó đã dẫn mọi người đi tìm Karina.