Lễ hội đền Hùng: Còn đó những “con sâu”

09:03, Thứ năm 10/04/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong thời gian tổ chức lễ hội đền Hùng (5 – 10/3 âm lịch) đã có hơn 5 triệu người đổ về dâng hương và trẩy hội trong niềm vui hân hoan và tình cảm thiêng liêng. Đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, trong lễ hội vẫn còn những “con sâu” làm xấu đi bản chất của một lễ hội.

Ngày mồng 10 tháng ba âm lịch là ngày quốc giỗ và là ngày trẩy hội du xuân của người Việt. Tất cả con cháu lạc hồng đều hướng về cội nguồn đất tổ Hùng Vương với tấm lòng thành kính dâng nén nhang tri ân. Mặc dù là năm lẻ nhưng lễ hội đền Hùng vẫn được tổ chức long trọng và quy mô với nhiều hoạt động văn hóa diễn ra từ ngày mồng 5 đến mồng 10 tháng ba âm lịch.

Với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tưởng nhớ về tổ tiên, đông đảo người dân đã đổ về núi Nghĩa Lĩnh để tham dự ngày giỗ tổ. Theo Ban tổ chức lễ hội đền Hùng, bắt đầu từ ngày khai hội cho đến ngày 10/3 âm lịch đã có hơn 5 triệu lượt du khách trong và ngoài nước về dâng hương lễ tổ và vui hội.

Tuy dòng người đổ về đền Hùng tấp nập nhưng do đã có kế hoạch chuẩn bị kỹ càng và có những phương án dự phòng đối phó những vấn đề nảy sinh nên mọi hoạt động lễ hội đã được tổ chức và xử lý hiệu quả. Tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trong thời gian dài đã được giải quyết bằng phương án phân luồng giao thông từ xa, hệ thống quan sát camera được bố trí phát hiện vấn đề và xử lý kịp thời và tăng cường lực lượng cảnh sát điều phối, hướng dẫn giao thông ở nhiều điểm chốt. Ban tổ chức lễ hội cũng đã sử dụng 1.030 ha đất để làm bãi gửi xe cho du khách với giá niêm yết cụ thể tránh tình trạng chặt chém, chèo kéo, gây phiền hà cho những người đến tham dự lễ hội.

Dòng người đổ về đền Hùng để dâng hương và trẩy hội.

Như báo Phunutoday đã đề cập, để tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho du khách đến lễ viếng và trẩy hội, Ban quản lý di tích đền Hùng đã phối hợp các cơ quan chức năng, cơ quan liên ngành thực hiện những phương án hỗ trợ kịp thời như huy động gần 1.000 chiến sĩ cảnh sát, cán bộ hành chính giải quyết những thắc mắc, phản ánh của du khách; cử người đi vào trong dòng người để phát hiện những đối tượng có hành vi xấu; tạm giữ và đưa những người ăn mày, ăn xin về Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc trong thời gian lễ hội diễn ra, bố trí cán bộ y tế thường trực để ứng cứu kịp thời.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã tổ chức phát thanh, treo biển tuyên truyền du khách có ứng xử văn minh khi tham gia lễ hội, nghiêm cấm các hành vi mặc quần áo ngắn, thiếu lịch sự, vứt rác bừa bãi, đặt tiền "giọt dầu"… không đúng nơi quy định.

Theo quan sát của PV trong quá trình lễ hội diễn ra, tại các điểm di tích, hệ thống hòm công đức, khay đựng tiền "giọt dầu" đều được đặt ở những nơi hợp lý, có người thu gom. Tất cả các điểm ghi công đức đều có tấm biển ghi rõ nội dung tiếp nhận công đức, luôn có người đứng nhắc nhở “không thắp nhiều hương” và “không đốt vàng mã” ở các nơi lễ viếng, công khai số điện thoại nóng của những người có trách nhiệm để kịp thời tiếp thu phản ánh của du khách. Đội ngũ nhân viên phục vụ lễ hội mặc đồng phục, đeo thẻ và hướng dẫn tỉ mỉ cho du khách hành hương.

Những chuyển biến tích cực ở lễ hội Đền Hùng năm nay phần nào cho thấy, tỉnh Phú Thọ đang từng bước hướng tới tổ chức một lễ hội kiểu mẫu. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng du khách khi đến với lễ hội Đền Hùng, vẫn xảy ra những hành xử chưa đẹp, thiếu văn hóa làm ảnh hưởng xấu đến một lễ hội văn hóa truyền thống cấp quốc gia.

Trước hết là tình trạng ép giá, “bắt chẹt” khách của một số chủ hộ kinh doanh. Tình trạng này xảy ra ở dọc đường trục chính và ngay cả khu vực sân trung tâm lễ hội. Tại đây, du khách khi vào quán uống nước, nếu không mặc cả giá trước, khi thanh toán, chủ quán sẽ tha hồ “chém” giá gấp 3-4 lần mức giá bình thường. Du khách chỉ còn biết móc “hầu bao” để trả nếu không muốn đôi co, chịu nghe chửi thậm chí là đuổi đánh.

Đơn cử, một lon nước tăng lực “bò húc” có giá bán 35 nghìn đồng, ấm trà nhỏ có giá 30 nghìn đồng. Dù du khách đã gọi đồ để uống và chịu giá “cắt cổ” nhưng chủ vẫn đòi phí ghế ngồi 5 nghìn đồng/ghế hoặc bắt thuê chiếu để trải chiếu xuống cỏ ngồi với giá 10 nghìn đồng/tiếng. Theo lý giải của một số chủ quán giải khát này, sở dĩ phải tính như vậy cũng là “bất đắc dĩ” vì lượng khách hàng ít, trong khi phí thuê chỗ lại quá đắt, 6-7 triệu đồng/ki-ốt trong một mùa lễ hội (?).

Một số đối tượng lừa đảo, bói toán mê tín dị đoan vẫn cứ rình rập để hành nghề. Khi không có lực lượng bảo vệ, những đối tượng này lại mang cờ, bài và sổ bói ra gạ gẫm du khách. Nhiều người đã mất tiền triệu vì những chiêu trò này.

Bất chấp nguy hiểm và lệnh cấm, nhiều người vẫn bám dây, bò đất để được lên núi Nghĩa Lĩnh.

Lễ hội đền Hùng vẫn không thể tránh được tình trạng du khách chen lấn, xô đẩy lẫn nhau để  lên được đền Thượng hoặc xuống đền Giếng. Hơn thế, du khách không xếp hàng đi theo tuần tự trên lối đi đã được quy định mà thi nhau bám cây đi tắt lên hoặc đi vào những khu vực đã có biển báo “khu vực nguy hiểm cấm trèo” hay “cấm đi lối này”... Tình trạng này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn mà còn làm chết nhiều cây cối, thậm chí có thể xảy ra cháy rừng nếu ai đó vô tình vứt tàn thuốc lá…

Ý thức kém của một số du khách đến tham dự hội cũng là một trong những nguyên cớ làm cho lễ hội đền Hùng mất đi tính mỹ quan. Nhiều người vẫn vô tự xả rác bừa bãi, vứt tiền vào những nơi thờ cúng, đi vệ sinh không đúng chỗ...

Hy vọng, với việc tích cực trong công tác tổ chức lễ hội, tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người trở về nguồn cội dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao của các vua Hùng. Những mùa lễ hội đền Hùng sau sẽ ngăn chặn được những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Trịnh Đình Tú