Lộ diện tỷ phú giàu nhất châu Phi sở hữu hơn 20 tỷ USD

07:07, Thứ tư 09/10/2013

( PHUNUTODAY ) - Theo kết quả khảo sát vừa được tạp chí tài chính Ventures tại Nigeria công bố, số lượng tỷ phú tại châu Phi lên tới 55 người, vượt xa những con số ước tính trước đó. Trong đó ngôi vị quán quân thuộc về tỷ phú Aliko Dangote với khối tài sản 20,2 tỷ USD.

Theo danh sách các tỷ phú châu Phi được Ventures công bố ngày 7/10, “lục địa đen” có tổng cộng 55 người có tài sản trị giá trên 1 tỷ USD, tăng mạnh so với con số ước tính từ 16 - 25 tỷ phú trước đó. Hầu hết những người siêu giàu đều sống tại Nigeria và Nam Phi.

Ông Aliko Dangote - tỷ phú giàu nhất châu Phi

Việc giá năng lượng tăng cao trong thập niên vừa qua, trong đó giá dầu vọt từ 20 USD/thùng đầu những năm 2000 lên hơn 100 USD hiện nay, cũng đã góp phần làm gia tăng số lượng tỷ phú tại các quốc gia giàu dầu mỏ.

Bản danh sách mới này đã giúp châu Phi sánh ngang với Mỹ La tinh về số lượng tỷ phú. Theo công bố của tạp chí Forbes, trong năm ngoái, có 51 người siêu giàu sống tại Mỹ La Linh. Trong khi đó số tỷ phú châu Á là 399. Dù vậy khó lòng có thể so sánh một cách trực tiếp danh sách của Forbes với Ventures.

Người giàu nhất tại châu Phi theo công bố của Ventures là doanh nhân Aliko Dangote. Vị tỷ phú này đầu tư vào các ngành sản xuất xi măng, thực phẩm, dầu mỏ và các lĩnh vực khác. Trị giá tài sản của người này vào khoảng 20,2 tỷ USD.

Xếp thứ hai trên bảng xếp hạng là Allan Gray, nhà đầu tư tài chính bí ẩn người Nam Phi, với khối tài sản ít nhất vào khoảng 8,5 tỷ USD. Đứng ngay sau Gray là tỷ phú Mike Adenuga, nhà đầu tư vào các lĩnh vực viễn thông và dầu mỏ. Doanh nhân Nigeria này được cho là nắm giữ khoảng 8 tỷ USD.

Bà Folorunsho Alakija - nữ tỷ phú giàu nhất châu Phi

Những nữ tỷ phú hiếm hoi

Tính trung bình, mỗi tỷ phú trong bảng xếp hạng của Ventures sở hữu 2,6 tỷ USD. Trong đó 20 người đến từ Nigeria, 9 người đến từ Nam Phi và 8 người là công dân Ai Cập, tạp chí này cho biết.

Trong số này, nữ tỷ phú giàu nhất là Folorunsho Alakija, đến từ Nigeria. Ước tính khối tài sản của bà vào khoảng 7,3 tỷ USD, chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh dầu mỏ. Bà cũng từng học thời trang tại London và thiết kế váy cho Maryam Babangida, phu nhân quá cố của nhà lãnh đạo Nigeria Ibrahim Babangida.

Isabel Dos Santos, một nhà đầu tư người Angola và là con gái cả của Tổng thống Angola Eduardo dos Santos, cùng với bà Ngina Kenyatta, mẹ của Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, cũng nằm trong danh sách các nữ tỷ phú của châu lục.

Đánh giá chưa đầy đủ

Do những khó khăn trong việc tính toán giá trị tài sản của nhiều doanh nhân hàng đầu châu Phi và gia đình họ, các nhà phân tích cho rằng danh sách các tỷ phú của Venture vẫn đánh giá chưa đầy đủ số người siêu giàu tại châu Phi.

Chi-Chi Okonjo, nhà sáng lập của Ventures cho biết con số tỷ phú thực sự tại các nước như Nigeria có lẽ còn “gấp đôi” ước tính hiện nay. “Tôi dám chắc rằng số tỷ phú nhiều hơn con số 55, nhưng việc bàn thảo về sự giàu có vẫn là điều cấm kỵ tại châu Phi”.

Việc Ventures ước tính tổng tài sản của các tỷ phú châu Phi vào khoảng gần 145 tỷ USD có thể châm ngòi cho những tranh cãi về sự bất bình đẳng trong những giai đoạn tăng trưởng gần đây tại châu Phi. Mặc dù kinh tế châu lục này đã tăng trưởng đáng kể, với tốc độ trung bình trên 5%/năm kể từ năm 2000, nhiều người châu Phi nói rằng họ vẫn thấy mình nghèo như cách đây một thập niên.

Khảo sát Afrobarometer, được thực hiện trên 50.000 người tại 34 quốc gia châu Phi hồi đầu tháng này cho thấy, hầu hết những tăng trưởng kinh tế gần đây tại châu Phi chỉ làm lợi cho một nhóm nhỏ những người thuộc giới thượng lưu.

“Bất chấp tốc độ tăng trưởng cao, tình trạng đói nghèo tại tầng lớp thấp nhất vẫn ít thay đổi”, tác giả bản báo cáo viết. “Thực tế, tình trạng bất bình đẳng về thu nhập có lẽ còn xấu đi”.

Tuy vậy, những con số thống kê chính thức lại cho thấy sự cải thiện, khi tầng lớp trung lưu nhỏ bé đang xuất hiện khắp châu Phi. Ngân hàng thế giới ước tính, số người châu Phi sống dưới mức nghèo khổ (dưới 1,25 USD/ngày) đã giảm đáng kể nhờ tăng trưởng mạnh.

Tỷ lệ này đã giảm từ 58% năm 1999 xuống 48,5% năm 2010. Cùng lúc đó, số người sống với từ 10 - 20 USD/ngày (được các nhà kinh tế học định nghĩa là tầng lớp tiêu dùng, hay tầng lớp lao động) đã tăng mạnh trong 10 năm vừa qua.
 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: