Vừa móc thuốc từ miệng anh, chị gào thét mọi người lấy nước rửa miệng anh xối xả. 2 đứa con chỉ biết bu quanh bố vừa khóc vừa van xin: “Bố ơi, bố cho thuốc ra đi!”
Anh Thuyên sau khi đã được sơ cứu |
Ngay sau khi sơ cứu, chị mệt mỏi, đứng chết lặng nhìn về phía khác. Còn chồng chị, anh nằm lả dưới đất, giọng thều thào nói như thở hắt ra: “Em ơi, cho anh đi đi, cuối cùng thì anh cũng đi mà. Con ơi, rồi bố cũng đi thôi mà...".
Người đàn ông nằm đó chính là anh Nguyễn Hữu Thuyên, người đã gây xôn xao dư luận trên báo chí mấy ngày qua: anh là người đã “dạy dỗ” đứa con gái của mình bằng đòn roi và xích sắt. Nhưng không ai biết rằng đó là một quá khứ đã ngủ yên 7 năm nay bị khơi lại một cách độc ác.
Lân la hỏi chuyện của bé Thúy, chúng tôi giật mình khi biết sự thật mà báo chí đưa tin mấy ngày qua đã xảy ra cách đây 7- 8 năm nay rồi. Chuyện Thúy bị bố xích vào xe máy kéo về hôm 2/6, vì cho bò ăn nhầm lá xoan (theo lời bé Thúy) sự thật lại không hoàn toàn là như vậy.
Có hỏi câu nào, anh Thuyên cũng chỉ vật vã vừa khóc vừa xoa bụng thều thào: "Em ơi, anh không đánh. Anh không làm thế...". Nói được một hai câu, anh Thuyên lại dừng lại lấy hơi, hổn hển nói tiếp: Tôi đau lắm, con cái không được như con người ta nó thường xuyên bỏ nhà đi, tôi đi tìm nhiều lần rồi. Những lần như thế, vợ tôi có biết đâu, hàng xóm có biết đâu?
"Anh bỏ qua hết, kể cả vợ có sẵng giọng, mắng mỏ, kể cả con có cãi cọ không nghe lời, bỏ qua hết. Anh chỉ thương vợ, lấy chồng được 3 năm là bình thường còn từ khi anh phát bệnh chị phải thay anh làm trụ cột lo cho gia đình", nói rồi, anh lại khóc. Anh bảo "để cho anh đi, để cho anh đi đi em ạ. Anh khổ lắm rồi".
Thúy kể, hôm đó do Thúy và em trai bỏ đi tìm một người phụ nữ tên Lan (người Hà Tây, Thúy quen ở bến xe buýt) người đã nhiều lần xin nhận Thúy làm con nuôi. Lang thang ngoài thành phố, một người dân cùng xã bắt gặp hỏi chuyện sau đó mới gọi điện cho anh Thuyên ra đón con về. Nhưng khi ra đón con, Thúy nhất định không về không biết phải làm thế nào, anh Thuyên đã dùng xích để dọa nạt bắt Thúy phải về.
Còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, mới bước vào đầu nhà tiếng chị hét thất thanh khiến tất cả những ai có mặt cũng phải bàng hoàng. "Bỏ ra, bỏ ngay ra" chị lao như vô định từ bên sân nhà mình đạp tung cách cửa gỗ ngăn vách với hàng xóm lao tới túm giật lấy anh vừa kêu khóc, vừa lay vỗ để hy vọng chồng nôn được cái chất độc chết người mà anh vừa kịp dốc vào miệng. Đứng bên cạnh, cậu con trai 10 tuổi luôn miệng gọi "bố ơi,... bố ơi", tiếng khóc nấc nghẹn luôn hồi.
Đến lúc này, thì chị không thể im lặng được nữa, chị nói như van xin, nài nỉ "tất cả mọi người đừng đến tìm anh ấy nữa, tâm lý anh ấy như thế này thì chưa biết anh ấy chết lúc nào. Mấy ngày nay, lúc nào anh ấy cũng có ý đồ như vậy”… Đôi vai run run, chị Miến nghẹn ngào giải thích về hành động dại dột mà người chồng đáng thương của mình vừa làm.
Kể từ ngày ra tù do xích mích với hàng xóm (sau đó lấy chị), sức khỏe anh ngày một yếu dần, suốt ngày ốm đau dặt dẹo. Chị phải chạy vạy khắp nơi để kiếm tiền chữa chạy cho anh. Từ chữa phổi, chữa mắt rồi đến bệnh gan, cuộc sống vốn khốn khó nay lại thêm túng quẫn. Bao vất vả đè nặng lên đôi vai của người vợ trẻ. Những đồng tiền đi mua bán đồng nát của chị không đủ để nuôi 4 miệng ăn trong gia đình.
Anh Thuyên từ những ám ảnh khốn khổ mang trong mình nỗi đau bệnh tật, luôn nghĩ mình là gánh nặng gia đình. Tâm tính từ đó cũng bắt đầu thay đổi. Anh trở nên gắt gỏng và nóng tính hơn. Bức bối, đau khổ anh trút giận bằng những trận đòn lên người vợ và đứa con gái mỗi khi không vừa ý.
“Cũng chỉ vì bệnh tật rồi cái nghèo đeo bám mà anh mới sinh ra như vậy chứ anh rất thương vợ, thương con. Em không tin thì ra mà xem cả núi vỏ thuốc của anh ấy tôi vừa đốt còn đang cháy đấy. Bức bách trong người anh ấy mới trở nên như vậy, cho nên tôi không hề trách anh. Cũng đã bao lần anh nghĩ quẩn nhưng gia đình tôi đều phát hiện kịp thời.
Cũng phải nói thật rằng cháu nó cũng quá hư, nó cứ bỏ đi thì hỏi rằng bố mẹ nào không nổi điên?. Bực nên nhiều lần anh đã đánh cháu. Tôi ra can nhưng sức đàn bà cũng không thể nào cản được. Cái tay cháu gẫy phần vì do cháu ngã, phần cũng do bố cháu bực giật lại nên bị trật khớp dù đã bó nhưng không được. Giờ tôi cũng thấy hối hận vì ngày xưa đã không can cho cháu để cháu bây giờ đến nông nỗi này.” Chị bật khóc. Tiếng khóc như bị kìm nén bao lâu nay vỡ òa thành tiếng”.
Quệt vội dòng nước mắt, chị Miến tiếp tục dòng tâm sự: “Cũng chẳng hiểu tại sao, người đàn bà tên Lan mà tôi không hề quen biết lại hay đến tìm cháu, rủ cháu theo cô ấy. Chính vì thế mà nó cứ bỏ nhà đi tìm người đó. Nhiều lần gọi điện thoại xuống, tôi cũng nói thẳng với chị ta rằng: bây giờ cháu nó hư rồi, cô cứ để chúng tôi dạy cháu chứ cô cứ níu kéo con tôi thế này thì tôi dạy làm sao được con tôi. Có lần nửa đêm cô ta cũng đến gọi cổng nhà tôi đòi cho cháu theo. Chúng tôi không mở. Chẳng hiểu cô ta tại sao lại làm như vậy với cháu.
Tôi cũng khổ lắm chứ, cứ đi làm được một hôm thì cháu lại bỏ nhà đi. Không có tội trạng gì cũng tự nhiên đi, không ai làm gì cũng đi nên cứ bảo thằng em nó theo suốt. Nhưng giờ nó bỏ đi lúc nào thì cũng không ai biết được.”
Chị bảo, cũng chỉ vì mắc tật ăn cắp vặt mà nhiều lần Thúy bị bố đánh thừa sống, thiếu chết vì người bị hại đến bắt đền. Ngay cả khi chúng tôi có mặt, Thúy vẫn tái diễn hành động này với chính người đến lợp mái nhà cho gia đình em. Những người chứng kiến chỉ biết thở dài, chép miệng.