Lời phật dạy về sự khiêm tốn

20:00, Chủ nhật 30/07/2017

( PHUNUTODAY ) - Đạo Phật có những câu nói hay về cách đối nhân xử thế, những bài học về làm người. Vậy, nếu các bạn mong muốn tìm hiểu đạo Phật nên đọc và suy ngẫm, sẽ giúp tâm thanh tịnh hơn giữa bộn bề lo toan trong cuộc sống. Dưới đây là lời Đức Phật dạy về sự khiêm tốn.

Cuộc đời Đức Phật là một bài học không ngừng về hạnh tu im lặng và khiêm tốn. Các vị thinh văn đệ tử của Ngài cũng vậy. Trong kinh văn kể khi vua chúa là những phật tử đến thăm Đức Phật đã thỉnh cầu Ngài đi thọ trai tăng. Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng. Cách im lặng này bây giờ khó bắt chước. Vì nhiều khi mình im lặng người khác không hiểu.

Trong giới luật, Đức Phật cho phép người xuất gia nói chuyện với người thế gian không quá 6 tiếng. Cách giáo dục trong giới luật, trong kinh điển Đức Phật dạy chúng tăng học hạnh im lặng. Chỉ được nói 6 tiếng nói thôi chớ không phải nói 6 tiếng đồng hồ đâu. Ý Đức Phật Ngài dạy chúng ta phải im lặng vì im lặng sẽ phát sanh trí tuệ và có im lặng thì sự sâu lắng càng cao. Có những trường hợp phải nói nhưng nói đúng lúc, đúng chỗ. Có người cho rằng: “Im lặng là vàng, nói đàng hoàng là hột xoàn, kim cương, nói cương cương có người đánh phù mỏ”. Như vậy cho thấy rằng nói cũng cần phải học, im lặng cũng cần phải học. Ông bà xưa có câu : “Học ăn , học nói, học gói, học mở”.

Cho nên chúng ta phải biết khi nào thì im lặng, khi nào thì nên nói. Im lặng là một sức mạnh. Sức mạnh của người tu là im lặng. Im lặng cũng đồng nghĩa với nhẫn nại, nhịn nhục. Sức mạnh của trẻ em là tiếng khóc. Sức mạnh của phụ nữ là nước mắt. Còn sức mạnh của người tu hành là im lặng, nhẫn nhục.

10.loi-phat-day-ve-su-khiem-ton-phunutoday.vn

 

Có một vị Hoà thượng rất nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Mỗi năm Hoà thượng đi Ấn độ một lần để phát học bổng cho các du học tăng. Hầu hết các du học tăng là những nghiên cứu sinh đều đang theo học các chương trình Phật học để lấy bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân. Một lần có một du học tăng quỳ xuống xin Hoà thượng ban cho một lời giáo giới để sách tấn quý Thầy tu tập. Hoà thượng nói: “Người tu có gì đâu mà bí quyết cũng không có gì để giáo giới. Chỉ có điều người tu muốn hành pháp tốt phải lì và liều’’. Nghe Hoà thượng nói vậy những du học tăng bỗng giật mình. Sao phải lì và liều? Thì ra Hoà thượng muốn ám chỉ rằng vì các du học tăng qua đây thì ai cũng học, học, học nên họ là những con mọt sách rất cần mẫn. Cho nên giáo giới gì cũng là dư đối với họ. Hoà thượng nói phải lì và liều chẳng qua là muốn nhắc họ luôn nhớ nhịn nhục. Nếu học cao hiểu rộng mà không biết nhịn nhục, không biết im lặng thì sẽ trở nên vô trí, đường tu vô nghĩa.

Có bảy pháp để trở thành bậc trí thức, trong đó có pháp phải nói hợp thời, nếu mình nói không hợp thời sẽ phản tác dụng. Do vậy càng im lặng, người im lặng càng có sức mạnh lớn, có cái nhìn sâu lắng hơn.

Khiêm tốn là hạnh người tu phải học suốt đời. Khiêm tốn việc tu,việc học, việc giao tế. Càng học cao, hiểu rộng, tu nhiều thì đối với Thầy, huynh đệ, đệ tử, phật tử, người thân v.v… mà tự cao, tự đại, tự kiêu thì mình trở thành liều thuốc độc. Quý vị càng tỏ ra khiêm tốn thì đó là một sức mạnh vô song. Người ta có thể rớt nước mắt vì sự khiêm tốn của mình. Bởi hạnh khiêm tốn luôn giúp ta gần gũi với mọi người chung quanh.

Trong kinh điển Phật giáo có câu chuyện:

Một ông quan được nhà vua tín nhiệm. Làm bất cứ việc gì nhà vua cũng tham vấn ý kiến của vị quan này. Trong triều đình, bá quan văn võ ai cũng nể phục vị quan tài năng và đức độ ấy. Nhưng đôi khi ông quan này nghĩ rằng: không biết người ta kính trọng, nể phục, thương mình, là do mình có những đức tính tốt hay người ta kính nể mình chỉ vì chức quan to. Nghĩ vậy ông bèn muốn làm một cuộc trắc nghiệm. Trong triều có kho báu của nhà vua. Hằng ngày ông quan này đi qua đi lại để thăm dò kho báu của nhà vua. Một hôm ông quan này lẻn vào bên trong kho báu của Vua ăn trộm một số của báu.

Người ta bắt được ông với tang vật còn mang theo người. Quá thất vọng về một ông quan bấy lâu nay luôn được ngưỡng mộ, yêu mến, người ta thông tin cho tất cả mọi người biết về hành vi ăn trộm của ông quan và đòi vua phải xử tội ông quan này. Nhà vua rưng rưng nước mắt, hỏi ông quan rằng: “Tại sao khanh lại làm như vậy? Tất cả những gì khanh lấy trộm trong túi đây chẳng đáng là bao so với những gì ta đã cho khanh. Chỉ cần khanh nói cho ta biết hoặc chỉ cần một ánh mắt của khanh thôi ta cũng có thể biết khanh muốn gì và sẳn sàng ban cho khanh nhiều hơn thế nữa. Ta không hề tiếc với khanh bất cứ thứ gì nhưng sao khanh lại đi lấy trộm như vậy?”

Ông Quan nói: “Tâu đại vương! Tội lỗi của hạ thần đáng chết. Vua cứ xử theo luật của triều đình. Hạ thần làm như vậy mới hiểu được lòng dạ con người rỏ hơn. Qua việc này hạ thần có được một bài học là người ta thương mình, kính trọng mình, ưu ái mình vì những đức hạnh, nhân cách đáng quý của một con người, chứ không phải do chức quan to của hạ thần. Ngày nay bệ hạ đã thấy được bản chất của sự việc. Nếu người ta kính trọng mình vì những phẩm hạnh cao quý thì một khi đánh mất những đức tính trong sạch đó thì mình cũng mất đi lòng kính trọng nơi mọi người.

Cũng vậy, một người xuất gia luôn có uy tín nhưng nếu vi phạm lỗi lầm sơ đẳng của giới luật thì xuất gia cũng trở thành vô nghĩa. Một người có quyền có chức ở ngoài thế gian mà nếu đi sai đường lạc lối cũng đánh mất đi giá trị bản thân và tước quyền của họ.

Con người phải biết học hạnh khiêm tốn và chân thực. Nếu học cao hiểu rộng mà khinh khi những người chung quanh tự chúng ta sẽ chuốc lấy nỗi khổ, mất đi vầng hào quang. Con người dù nghèo hay giàu nhưng học được hạnh lắng nghe, khiêm tốn, con người đó sẽ có thêm nhiều vầng hào quang. Nói chuyện quá nhiều lại nói những lời vô ích, tự cao tự đắc, hào quang chân thật sẽ biến mất. Giống như câu chuyện ông quan lấy trộm của báu trong kho vua.

Cuộc sống chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải học bài học khiêm tốn. Khiêm tốn sẽ chỉ cho ta thấy những thiếu sót của bản thân mình để sửa đổi, không tỏ ra kiêu căng tự mãn, nên lúc nào cũng bình tĩnh lắng nghe những ý kiến đóng góp của mọi người xung quanh. Khiêm tốn giúp cho con người ta không kiêu căng ngạo mạn khi đứng trên đỉnh cao của quyền lực, danh vọng nhờ vậy họ làm được nhiều việc lợi ích và được nhiều người ủng hộ.

Nhưng trái lại, những kẻ tự mãn, tự cho mình là tài giỏi nên ít thành công trên trường đời danh vọng, do đó dễ dàng gặp thất bại vì bị sự ganh ghét đố kỵ của nhiều người.

Đối với người thế gian cho dù chúng ta có tài giỏi đến mức nào đi chăng nữa, chúng ata vẫn phải tiếp tục học hỏi không ngừng để mở mang hiểu biết nhiều hơn nữa; có như thế, ta mới đạt được nhiều thành công trong tương lai.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link