4 lãnh đạo nhận lương khủng trần tình
Ông Trần Trọng Huệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chiếu sáng công cộng cho biết: "Kết luận đúng hay sai tôi không dám bình luận bởi vì cơ quan nhà nước làm họ dựa theo những thông tư, nghị định về quản lý, chi trả tiền lương.
Tôi chỉ khẳng định một điều mức lương cao của công ty là do công sức lao động của anh em làm. Doanh nghiệp chúng tôi khác với cơ quan hành chính sự nghiệp phụ thuộc vào ngân sách. Chúng tôi làm ra sản phẩm mà muốn làm ra sản phẩm đó phải qua hợp đồng kinh tế. Năm 2012 chúng tôi ký được rất nhiều hợp đồng thu được nhiều lợi nhuận chia cho anh em chứ không dùng tiền ngân sách.
Năm 2012, công ty lãi 130 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 81 tỉ đồng. Lãi cao đáng lý ra phải kéo những người lương thấp lên chứ tại sao lại kéo những người lương cao xuống..."
Một công nhân thuộc Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM đang làm việc ngoài công trình |
Trong khi đó, ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh cho biết: "Sau khi có kết luận của UBND TP.HCM, ban giám đốc công ty đã họp và thống nhất thực hiện theo nội dung kết luận của UBND TP và đã thu hồi gần 1,3 tỉ đồng được kết luận là chi cho bảy thành viên quản lý sai quy định. Bản thân tôi cũng đã nộp lại 200 triệu được cho là tiền lương vượt quy định".
Còn theo ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM: "Có kết luận, hôm qua công ty có họp để báo cáo tình hình khắc phục của công ty với UBND TP. Về số liệu công bố, chắc bên kết luận người ta cũng làm kỹ rồi nên tôi không có ý kiến.
Chỉ có điều thường số liệu công bố chưa tính thuế thu nhập còn số liệu của công ty đã tính thuế nên có khi số liệu không khớp nhau. Chứ thực ra tiền tới tay người lao động đâu cao đến mức đó.
Công ty chúng tôi làm và trả lương theo kết quả kinh doanh. Năm 2011, lợi nhuận của công ty đạt 18 tỉ đồng nhưng năm 2012 lợi nhuận tăng vọt lên 61 tỉ đồng. Công ty kinh doanh có lãi lại có nhiều nguồn thu nên lãnh đạo, nhân viên mức lương cao.
Hiện công ty đã gửi báo cáo lên rồi, UBND TP kết luận thế nào chúng tôi sẽ tuân theo. Mình sai thì phải sửa thôi. Công ty sẽ phải thu hồi khoản lương chênh lệch đã trả cho viên chức quản lý.
Những tháng đầu 2013, thu nhập của tôi giảm xuống rất nhiều so với trước bởi doanh thu và lợi nhuận của công ty giảm xuống rất nhiều so với trước. Phóng viên hỏi tháng vừa rồi thu nhập của tôi bao nhiêu cũng khó trả lời vì liên quan rất nhiều thứ. Ngoài ra, năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định 51 liên quan về mức lương buộc doanh nghiệp phải chấp hành".
Năm 2012, lợi nhuận của Công ty thoát nước đô thị TP.HCM tăng vọt lên 61 tỉ đồng (năm 2011 mức lợi nhuận là 18 tỉ đồng). Trong ảnh là một đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) thường xuyên bị ngập nước khi có mưa lớn hoặc triều cường |
Ông Phạm Văn Vĩnh, Giám đốc Công ty Công trình giao thông Sài Gòn cho biết, "đây chưa phải là kết luận của UBND TP.HCM mà chỉ mới là kết quả thanh tra của Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Về phần tôi sẽ phải có giải trình rõ ràng chứ như thế này oan cho chúng tôi quá. Lương thực chất hàng tháng của tôi có hơn 32 triệu đồng thôi. Mức lương này đúng với quy định của nhà nước đối với cấp quản lý. Chỗ tôi, lương giám đốc và chủ tịch như nhau. Thậm chí có tháng lương của tôi còn thấp hơn công nhân do họ hưởng lương theo sản phẩm còn tôi cấp quản lý hưởng lương cố định.
Còn tại sao có độ vênh giữa số liệu như vậy là do cách tính của thanh tra với doanh nghiệp. Hiện kế toán của công ty cũng đang tính để làm rõ độ vênh này. Theo tôi nghĩ, thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội đang nhầm lẫn giữa lương và các khoản tiền thưởng của cả năm 2011 và 2012. Số liệu của thanh tra là cộng hết thu nhập của cả năm chứ không riêng gì mức lương. Công ty thường có mức thưởng và được trả theo cuối năm".
Kinh doanh lỗ lương vẫn 'khủng' thì sao?
Theo như những gì lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích hưởng lương 'khủng' trả lời báo chí, một thực tế đã được chỉ ra đó là nguyên nhân việc được hưởng mức lương như vậy là bởi công ty họ làm ăn có lãi. Hơn nữa, các cơ quan chức năng sau quá trình kiểm tra cũng chưa chứng minh được có tham nhũng, sai phạm trong hoạt động của cả 4 công ty. Đấy là chưa kể đến việc các công ty đã thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với Nhà nước, vì vậy mức lương kia dù cao cũng vẫn rất hợp lý.
Trong khi đó, ở các tập đoàn Nhà nước, lương lãnh đạo cũng không hề thấp dù Chính phủ cũng như người dân suốt ngày phải ngán ngẩm nghe họ kêu nghèo, kể khổ, trình bày thua lỗ.
Chỉ vừa mới đây, khi mức lương thực hưởng của lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) được công bố đã gây sốc rất lớn trong dư luận. Chẳng hạn, một số đơn vị mà lương của lãnh đạo cao như Petrolimex, SaigonPetro, Cienco 4, Vinafood 1, Vinafood 2,… có mức lương tới gần 60 triệu đồng/người/tháng.
Nhớ lại hồi tháng 5/2013, giới truyền thông loan tin về mức lương cơ bản của lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty… do Nhà nước làm chủ sở hữu, được quy định lên tới 36 triệu đồng/người/tháng. Mức lương cơ bản này đã khiến hàng triệu dân Việt Nam, trong đó có cả các cán bộ, lãnh đạo chủ chốt ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp… phát thèm.
Giờ thì mức lương thực hưởng được công bố còn chênh so với lương cơ bản tới khoảng 20 triệu đồng/người/tháng, dư luận thực sự sốc. Người ta sốc không chỉ vì mức chênh giữa cơ bản và thực hưởng, mà còn xót xa cho ngân sách nhà nước.
Bởi lẽ ra, lương cao thì cống hiến phải nhiều, hiệu quả công tác điều hành doanh nghiệp của các vị lãnh đạo đó phải tương xứng. Đằng này, rất nhiều tập đoàn, tổng công ty thua lỗ (Petrolimex lỗ 1.671 tỉ đồng, Cienco 8 lỗ 137,9 tỉ đồng, Vinacoin lỗ 19,8 tỉ đồng, Mipeco lỗ 17,1 tỉ đồng….) mà lãnh đạo của không đơn vị trong đó vẫn ung dung hưởng lương cao ngất ngưởng.
Chẳng hạn, Petrolimex mặc dù báo cáo kinh doanh thua lỗ 1.671 tỉ đồng, nhưng Ban Lãnh đạo, Chủ tịch Tập đoàn cũng như hội đồng thành viên vẫn có mức lương từ 40 – 58 triệu đồng/người/tháng, trong khi mức lương bình quân của cán bộ, nhân viên tại tập đoàn này đều ở mức trên 6 triệu đồng/người/tháng. Còn tại một số đơn vị khác như SaigonPetro, Cienco 4, Vinafood 1, Vinafood 2,…lương của lãnh đạo quản lý khối văn phòng có khi lên tới 56,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân của các đơn vị thành viên.
Theo lý giải của ông Nguyễn Hồng Long, Kiểm toán trưởng chuyên ngành 6 – KTNN, theo các quy định hiện hành thì riêng đối với Petrolimex, mặc dù tập đoàn này kinh doanh thua lỗ, nhưng do trong năm 2011 Petrolimex thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá, vẫn được áp dụng đơn giá tiền lương theo quy định, thu nhập của lãnh đạo được phép không căn cứ vào kết quả kinh doanh. Với lý giải này, các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty đường hoàng thực hưởng lương rất cao, bất chấp làm ăn thua lỗ.
Vậy thì việc các lãnh đạo công ty ở TP.HCM nhận lương khủng vì làm ăn có lãi phải chăng cũng là một sự công bằng?