Ngày 20/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2023 chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2023 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%).
Nhiều người lao động quan tâm, khi mức lương cơ sở tăng thì lương hưu sẽ tăng theo thế nào.
Đối tượng được hưởng lương hưu
Kể từ năm 2022 trở đi, số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu sẽ không tăng nữa.
Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động đủ tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu.
Theo đó, tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% tiền lương tháng đóng BHXH.
Như vậy, lao động nam đủ điều kiện về hưu năm 2023 đóng đủ 24 năm BHXH thì được hưởng lương hưu bằng 53% tiền lương tháng đóng BHXH.
Còn lương hưu của lao động nữ đủ điều kiện về hưu năm 2023 được tính như sau:
– Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45% tiền lương tháng đóng BHXH.
– Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%.
Do đó, lao động nữ đủ điều kiện về hưu năm 2023, đóng đủ 25 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 63% tiền lương tháng đóng BHXH.
Sự thay đổi của lương hưu
1 Mức hưởng lương hưu hàng tháng
Theo nội dung được quy định tại Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ được quy định theo thời gian đóng BHXH. Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45% và cao nhất là 75%.
Căn cứ theo nội dung được quy định tại Khoản 3 Điều 9 và Khoản 1, 2 Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP có hướng dẫn cụ thể cách tính mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng BHXH dựa trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH trong khu vực nhà nước và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH do người sử dụng lao động đóng quyết định. Vì vậy, mức lương hưu sẽ thay đổi phụ thuộc theo mức lương cơ sở và mức điều chỉnh tiền lương qua các năm tương ứng.
Công thức tính mức hưởng lương hưu:
Mức hưởng lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
2. Sự thay đổi của lương hưu khi lương cơ sở, lương tối thiểu vùng tăng.
Mức tối thiểu đóng BHXH của người lao động (NLĐ) sẽ bằng mức lương tối thiểu vùng. Căn cứ vào Điều 3, Nghị định 90/2019/NĐ-CP mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng. Mức lương tối thiểu vùng tăng thì mức bình quân tháng đóng BHXH tối thiểu tăng, dẫn đến mức lương hưu tối thiểu cũng sẽ tăng theo.
Mức tăng lương hưu tối thiểu vùng = Tỷ lệ lương hưu x Mức tăng lương tối thiểu vùng.
Mỗi vùng khác nhau thì mức lương bình quân đóng BHXH tối thiểu cũng khác nhau. Đối với những người lao động thuộc vùng I và II thì mức lương bình quân đóng BHXH tối thiểu cao hơn vùng III vùng IV vì vậy mà mức hưởng lương hưu tối thiểu cũng sẽ cao hơn vùng III và vùng IV.
Mức lương hưu tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở.
Từ 1/1/2020 mức lương cơ sở được áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương hưu tối đa cán bộ hưu trí được hưởng không quá 1,49 triệu x 20 = 29,8 triệu/tháng. Mức lương cơ sở tăng thì mức lương hưu tối đa cũng sẽ tăng.
Có thể thấy, mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng có ảnh hưởng rất nhiều đến mức lương hưu mà người lao động được hưởng. Khi mức lương cơ sở tăng, mức lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương hưu tối thiểu và mức lương hưu tối đa tăng.