Sau những dùng dằng kéo dài cả chục năm, chị ký vào tờ đơn ly hôn ở tuổi 45. Ngồi với tôi trong quán cà phê, chị ê chề chia sẻ: “Không ngờ người mình từng thương yêu, và cũng tha thiết thương yêu mình, vậy mà đến ngày nhìn nhau như kẻ thù”.
Chị cho biết chị đọc sách báo, xem phim ảnh, nghe người có hôn nhân hạnh phúc cho lời khuyên… Nhưng mỗi người mỗi cảnh, chẳng thể có chung một công thức để áp dụng.
Xã hội thời nào cũng vậy, ly hôn vẫn là vết rạn nứt rất lớn đối với người trong cuộc. Cũng may, con gái chị đã vào đại học. 2 con được cha mẹ tập cho lối sống tự lập nên cũng sớm trưởng thành mọi mặt.
Cách đây 10 năm, khi hôn nhân của chị bắt đầu có rạn nứt, cha mẹ chị còn sống. Ông bà nhiều lần khuyên nhủ chị hãy vì con mà giữ lấy hôn nhân. Phụ nữ như lạt mềm buộc chặt, từ từ rồi mọi thứ sẽ ổn, đừng đánh mất gia đình trọn vẹn của đám trẻ…
Khi ấy chị đã nghĩ, nếu không vì những thứ khác thì cũng vì cha mẹ. Cả đời chị đã chẳng làm được gì to tát cho ông bà, thì thôi, đừng khiến ông bà thêm lo. Nhưng đến khi chị ly hôn, cả cha mẹ chị đều đã qua đời. Chẳng còn bất cứ nỗi nặng lòng nào.
Nhưng trái với vẻ hào hứng mà chị đã nghĩ: “Nếu ngày bước đến thánh đường làm lễ cưới là ngày vui thì ngày rời khỏi bậc thềm tòa án cũng vui tương đương vậy”. Đến khi nó diễn ra, chị lại nói: “Ở tuổi 45 của chị, mọi thứ đã thành dở dang, chẳng thể bắt đầu lại được nữa”.
Chị nói lên suy nghĩ trong lòng, rằng tuổi của chị không còn phù hợp cho sự bắt đầu, về mọi mặt. Nói gì xa xôi, chỉ việc vào quán cà phê của giới trẻ thôi, chị đã không kịp nghe các cháu ở quầy đặt nước nói gì. Các cháu nói quá nhanh, nghe như máy nói, khiến chị có cảm giác không còn theo kịp thế giới này. Cơ thể chị cũng không còn gọn gàng như xưa, những nếp nhăn, những dấu hiệu sức khỏe lần lượt xuất hiện. Chị chẳng còn đủ niềm tin, sự hào hứng để đón đợi một mối quan hệ mới.
Rồi để “chốt” lại vấn đề chị nói là hợp lý, chị bảo: “Có ai nói mọi thứ bắt đầu ở tuổi 45 như chị đâu?”.
Trong lúc chị buồn muốn trải lòng, tôi chỉ làm đúng công việc của mình là chân thành lắng nghe. Bởi tôi hiểu, mình vẫn chỉ là người ngoài chứ không phải người trong cuộc để hiểu mọi vấn đề. Thậm chí, cùng vấn đề vẫn có rất nhiều góc nhìn khác nhau.
Tôi đồng tình với nhận định cho rằng: “90% kết quả liên quan đến việc bạn phản ứng với vấn đề của mình”. Trong những mối quan hệ của mình, tôi nhận ra không ít người phụ nữ “0 tuổi”. Họ say sưa, miệt mài với công việc, dự định và thực hiện dự định của mình, đến quên cả tuổi tác. Trong khi, họ đã đến tuổi hưu.
Vẻ đẹp của họ khi ấy không còn nằm ở hình tướng bên ngoài nữa, làn da họ đã xuất hiện những vết chân chim, đường gân cổ xanh nổi cộm theo tuổi tác, nhưng ánh mắt họ vẫn sáng lên khi nói về những kế hoạch của mình, hay chỉ là niềm đam mê với công việc mà họ theo đuổi.
Ở họ, tôi còn nhận ra vẻ điềm đạm ở tính cách, tinh tế trong lối sống… Tất cả đã tôn lên vẻ đẹp của họ. Nhìn vào phong thái của những phụ nữ ấy, tôi cảm giác cuộc sống nhẹ tựa lông hồng, đối mặt với được và mất một cách bình tĩnh.
Vậy nên, mấu chốt không hẳn nằm ở độ tuổi nào mà quan trọng là chúng ta có sẵn sàng thay đổi không? Thay vì tự tay kéo tấm rèm u ám phủ lên cuộc đời còn dài phía trước của mình, sao ta không hành động cụ thể?
Hãy làm cho cuộc sống của mình phong phú lên từ việc rèn luyện sức khỏe cho bản thân bằng cách đến phòng tập, ăn uống lành mạnh, kết nối với những mối quan hệ chung quanh để thấy cuộc sống luôn mở ra những điều tươi mới.
Rồi chị sẽ nhận ra, ở tuổi 45, trong khi biết bao phụ nữ phải còng lưng buôn thúng bán bưng thì chị chẳng còn nỗi lo về kinh tế. 2 người con của chị cũng trưởng thành, biết tự lo cho bản thân và luôn hiểu chuyện. Chị cũng đã có căn nhà để trú nắng mưa… Nếu kể ra, chị có cả danh sách dài những điều hài lòng.
Trung niên cũng là khoảng thời gian mà nếu nhìn lại, ta sẽ nhận ra bản thân đã hết sức cố gắng cho công việc, chăm lo con cái... nên cũng đến lúc dành thời gian cho chính mình. Vì vậy tôi mong chị đừng vội kéo tấm màn u ám phủ lên cuộc đời sau ly hôn. Mọi thứ đều có thể bắt đầu, chỉ cần lòng mình sẵn sàng.
An Na