Đời sống)- Sau 4 năm dùi mài kinh sử chuyên ngành tiếng Pháp tại Đại Học Đà Nẵng, muốn có thêm cơ hội mới ngoài thủ đô, Lê Thị Kiều Oanh đã quyết định học thêm bằng thạc sĩ. Từ ngày bảo vệ xong, Oanh vẫn không thể xin được một việc làm tử tế. Cô đành bỏ xó bằng của mình, cam chịu làm trực điện thoại kiếm tiền sống qua ngày.
Giấc mơ Hà Nội
Lê Thị Kiều Oanh quê ở thành phố Ninh Bình. Năm 2003, Oanh thi đỗ trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng.
Hơn 4 năm dùi mài kinh sử ở Đà Nẵng giúp Oanh ra trường với bằng loại giỏi. Mang bao nhiêu hi vọng từ trong Đà Nẵng ra thủ đô, lúc nào Oanh cũng tin mình sẽ xin được một việc làm tử tế.
Tuy nhiên, ra ngoài Hà Nội, Oanh lạ đường, lạ cách sống cũng như phong cách làm việc ở thành phố ồn ào bụi bặm này.
Nửa năm đầu Oanh không xin được việc đúng chuyên ngành. Cô đi làm tiếp thị cho hãng Eurowindow và nuôi tiếp ước mơ học thạc sĩ.
Đến thời điểm này, Oanh vẫn chưa có được một việc làm để cô áp dụng kiến thức đã học. |
“Lúc đó, ai cũng nói có trình độ vẫn tốt, học thạc sĩ ra trường có cơ hội xin việc nhiều hơn. Hơn nữa, học thạc sĩ cũng là mơ ước của chị. Chị đăng ký học thạc sĩ trường Đại học Quốc gia Hà Nội khoa ngoại ngữ. May mắn, việc thi cử cũng dễ nên chị đỗ ngay lần thi đầu tiên. Hơn 2 năm cần mẫn vừa đi làm đủ các nghề, vừa học thạc sĩ mong đến ngày công thành danh toại” – Oanh nhớ lại.
Trong thời gian từ đầu năm 2008 đến nay, Oanh làm đủ các nghề từ trực điện thoại ở trung tâm gia sư, trực tổng đài ở Mobifone cho đến bán hàng thuê.
Tất cả những công việc của Oanh lúc đó chỉ là tạm thời. Trong tâm trí của cô, chờ đến ngày có bằng cấp tử tế cô sẽ đi kiếm việc đúng chuyên ngành của mình.
Ngành Oanh theo là tiếp Pháp, ngoài ra cô học thêm tiếng Anh nhưng với vốn kiến thức lệch về tiếng Pháp hầu như các công ty đều không mặn mà.
Đến cơ quan nào xin việc, Oanh cũng chỉ được giới thiệu làm nhân viên hành chính và nhân viên văn phòng với mớ việc không tên như photo, pha café và hỏi han tình hình sức khỏe của các sếp.
Gửi tiền ở quê ra
Đầu năm 2011, Oanh nhận bằng thạc sĩ. Lúc này, cô mang bao nhiều hi vọng về một tương lai tốt. Nhưng cô không hề biết rằng 20 bộ hồ sơ của cô gửi đi chỉ có 4 nơi gọi điện lại mời cô đến phỏng vấn.
“4 công ty đó có hai công ty du lịch, một công ty về kinh doanh cửa nhựa Châu Âu, một công ty về địa chính. Chị chịu khó lần lượt đi phỏng vấn từ vòng 1 đến vòng 2, vòng 3. Cuối cùng, chị xin vào được công ty sản xuất và kinh doanh cửa nhựa với chức năng làm phiên dịch kiêm canh văn phòng, thư ký.
Gần 4 tháng làm ở đó nhưng chị không nhận được lương vì doanh số của công ty liên tục giảm. Các nhân viên kinh doanh cũng đói nên sếp không có nhiều tiền để trả lương cho khối văn phòng, phiên dịch” – Oanh nhớ lại.
Những tháng ngày không có lương, Oanh sống chủ yếu bằng khoản tiền ít ỏi từ người mẹ ở quê gửi ra.
Đến bây giờ đã 28 tuổi nhưng Oanh vẫn không dám nghĩ đến chuyện lấy chồng vì cô còn lo kiếm tiền báo hiếu lại bố mẹ.
Hơn nữa, Oanh cho rằng công việc còn bấp bênh nên chưa có ai rước cô đi. Học giỏi từ năm lớp một đến ngày lấy bằng vậy mà Oanh không kiếm nổi một việc làm như cô và gia đình mong muốn.
Đã có lúc, Oanh chán đời nghĩ đến cảnh về quê làm giáo viên dạy thêm ngoại ngữ nhưng vì tự ái của một kẻ đã tốn nhiều công sức cho việc học hành nên Oanh cố giam chân mình ở thành phố.
Rời công ty kinh doanh cửa nhựa với số tiền hỗ trợ cho 4 tháng làm việc mệt nhọc là 5 triệu đồng. Oanh không dám nghĩ đến việc đi rải hồ sơ xin việc bởi ai cũng nói xin việc thời nay khó. Tấm bằng cô mang về nhà nhờ bố mẹ cất giữ để làm kỷ niệm học hành.
Cô xin vào làm trực điện thoại cho một công ty kinh doanh thiết bị máy chiếu với mức lương 3 triệu đồng/tháng, có hỗ trợ ăn trưa.
Hàng ngày, từ 7h30 sáng cho đến 5h chiều Oanh mới làm xong công việc. “Nói là trực điện thoại nhưng chị phải rất nhiều việc”. Đến thời điểm bây giờ, Oanh đã nhận ra rằng việc học hành của cô không giúp gì cho cô trong điều kiện kinh tế hiện nay.
Hơn nữa, cô đành chấp nhận “chị có duyên với điện thoại, với canh miếu hơn là làm việc đúng chuyên môn của mình”.
Từ sâu thẳm trong lòng, cô gái sinh năm 1984 này vẫn hi vọng sẽ được làm phiên dịch viên như ước mơ từ nhỏ của cô.
Việc đi làm không đúng chuyên môn cũng khiến Oanh lo sợ kiến thức ngoại ngữ của mình rơi rụng, khi tìm được việc đúng ngành thì lại trở thành người thiếu năng lực. Nhưng vì miếng cơm manh áo trước mắt, cô đành buông xuôi theo thời cuộc.
- Nguyễn Thảo
[links()]