Mẹ bầu bị đau đầu có ảnh hưởng đến thai nhi? Học ngay cách chữa đau đầu mà không cần dùng thuốc

16:45, Thứ sáu 25/06/2021

( PHUNUTODAY ) - Khi mang thai, phụ nữ thường không nên sử dụng các loại thuốc một cách tùy tiện vì nó có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu bị đau đầu, bạn có thể chữa bằng những cách an toàn sau đây.

Nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu ở mẹ bầu thường là do thay đổi nồng độ hormone, trọng lượng của thai nhi tăng nhanh, chế độ ăn uống thất thường, môi trường, bệnh lý.

Thông thường, tình trạng đau đầu nhẹ ở mẹ bầu không làm ảnh hưởng đến thai nhi. Những cơn đau có xu hướng giảm dần, nhất là khi mẹ bầu bước sang tháng thứ 4 của thai kỳ hoặc sau khi sinh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đau đầu dữ dội thì đó là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như tiền sản giật. Vì vậy mà mẹ bầu không nên chủ quan.

Ngay cả khi tình trạng đau đầu ở mức nhẹ nó cũng khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Trong trường hợp này, mẹ bầu có thể áp dụng những phương pháp chữa đau đầu dưới đây.

Uống trà gừng

Vì gừng có tác dụng kháng viêm, giảm đau nên mẹ bầu có thể uống 1 ly trà gừng nóng sau đó nằm nghỉ ngơi 15 phút, cơ đau sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên gừng có tính nóng nên mẹ bầu không nên áp dụng nhiều.

Dùng túi chườm

Nếu nguyên nhân đau đầu là do viêm xoang thì mẹ bầu có thể dùng túi chườm ấm chườm quanh mắt và mũi. Đồng thời có thể chườm lạnh ở cổ. Dùng túi chườm vừa giúp giảm đau đầu lại vừa giúp giảm stress, căng thẳng.

Tắm nước nóng

Tắm với nước ấm cũng có thể làm dịu cơn đau đầu tạm thời. Vì vậy nếu cơn đau đầu ập đến, mẹ bầu hãy đi tắm nước nóng dưới vòi hoa sen.

Dùng tinh dầu

Phương pháp này được nhiều bác sĩ khuyến cáo. Tuy nhiên, mẹ bầu chỉ nên chọn những loại tinh dầu thiên nhiên như tinh dầu quế, tinh dầu oải hương, tinh dầu bạc hà,…

Tập thể dục

Mẹ bầu không nên vận động mạnh nhưng hãy lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng thay vì ngồi yên một chỗ. Việc vận động giúp cho máu được lưu thông, giảm bớt áp lực và cải thiện được tình trạng đau đầu.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Cơ thể của mẹ bầu nếu được bổ sung đầy đủ dưỡng chất thì cũng hạn chế được tình trạng đau đầu. Đừng để mình bị đói trong quá trình mang thai vì nó có thể gây hạ đường huyết.

Trong ngày mẹ bầu nên uống đủ nước, bổ sung thêm nước ép trái cây tươi. Nên hạn chế các loại đồ uống có ga, nước ép trái cây đóng chai và các loại thực phẩm chế biến sẵn. Nên ăn nhiều các thực phẩm giàu sắt như bông cải xanh, rau chân vịt,… để giảm đau đầu khi mang thai.

Hạn chế căng thẳng

Cơ thể được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc cũng giúp làm giảm cơn đau nửa đầu. Vì vậy, mẹ bầu hãy cố gắng nghỉ ngơi đủ để tránh căng thẳng.

Massage

Mẹ bầu có thể nhờ chồng hoặc đến spa để được massage vùng đầu, vai gáy, gan bàn chân. Việc massage giúp máu được lưu thông và giảm đau đầu hiệu quả.

Đắp khăn mát

Khi nằm nghỉ ngơi, mẹ bầu có thể lấy khăn mát đắp lên mặt cũng giúp giảm đau đầu.

Bổ sung dưỡng chất

Bên cạnh chế độ ăn giàu dinh dưỡng, mẹ bầu cũng nên bổ sung thêm các dưỡng chất như sắt, axit folic, i-ốt, DHA,…

Những dấu hiệu cảnh báo sản phụ cần đến gặp bác sĩ

Tình trạng đau đầu sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu đau đầu vẫn tiếp diễn và diễn ra trên 4 giờ, kèm với đó có xuất hiện những dấu hiệu sau đây:

Đau đầu dữ dội, đặc biệt ở trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ.

Tình trạng đau đầu không có dấu hiệu thuyên giảm.

Đau đầu kèm theo một số triệu chứng như sốt, cứng cổ, rối loạn thị giác, buồn ngủ, có cảm giác tê buốt hoặc thay đổi về cảm giác, hay tri giác.

Đau đầu sau khi bị chấn thương.

Khi đọc sách hoặc nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại xuất hiện tình trạng đau đầu ngay lập tức.

Đột ngột tăng cân.

Sưng bàn tay, bàn chân thậm chí cả khuôn mặt.

Đau đầu kèm theo đau vùng bụng trên, đau vùng dưới xương sườn.

Nếu tình trạng đau đầu vẫn tiếp tục diễn ra, kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng điều trị tốt nhất.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy