Mới đây, câu chuyện của một mẹ bầu ở Hà Nội nhiễm Covid-19 tự điều trị tại nhà được chia sẻ trên VnExpress. Nhân vật chính của câu chuyện là chị Linh. Chị phát hiện mình dương tính với Covid-19 ở tuần thai 26, sau khi tiêm mũi vắc xin thứ 2 được vài ngày.
Bản thân chị mang thai nên luôn tự ý thức việc giữ gìn sức khỏe, hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người. Tuy nhiên, Covid-19 chẳng chừa một ai, chỉ cần chút sơ hở, ai cũng có thể thành F0.
Chuyện bắt đầu từ khi chồng chị Linh nói rằng anh không ngửi thấy mùi thức ăn như bình thường. Trước đó, anh có biểu hiện như cúm mùa nhưng không ho, không sốt. Hai vợ chồng chị đều không nghĩ đến trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng để yên tâm, chi Linh giục chồng làm test nhanh. Kết quả cho thấy, vạch dương tính hiện lên mờ mờ trước rồi mới đến vạch âm tính. Lúc này, mọi cảm xúc của hai vợ chồng trở nên hỗn độn.
Mẹ bầu cố gắng lấy lại bình tĩnh rồi giúp chồng lấy mẫu kiểm tra lần nữa. Kết quả lần này vẫn là dương tính. Không nghi ngờ gì nữa, chồng chị Linh là F0 còn chị thành F1.
Chị Linh nhờ người thân mua thêm chục que test để dự phòng và chuẩn bị tinh thần cho những ngày chiến đấu với Covid-19.
Hai vợ chồng chị Linh chuẩn bị kế hoạch cách ly và tự điều trị tại nhà, bắt đầu bằng việc ăn riêng, ngủ riêng. Vì chồng đã nhiễm bệnh nên chị Linh cũng lo lắng khi bản thân đã tiếp xúc, khả năng lây nhiễm rất lớn. Để yên tâm, mẹ bầu vẫn tự làm test nhanh ngày 2 lần, sáng - tối. Cuối cùng, chị có biểu hiện sụt sịt, hơi ho nhẹ như cảm cúm. Buổi chiều, que test nhanh đã hiện vạch dương tính dù còn mờ. Sau đó, chị có thử test lại lần nữa. Cả hai lần thử đều cho kết quả dương tính. Vậy là chị xác định mình đã dương tính với Covid-19 ở tuần thai 26.
Ngày đầu tiên, sau khi biết mình bị nhiễm Covid-19, chị không sốt, chỉ ho nhẹ. Nhưng buổi tối, hiện tượng mất khứu giác bắt đầu xuất hiện. Chị phải hít mạnh mới cảm nhận được mùi.
Với chị Linh, khứu giác lúc này như bị đóng băng, cảm giác lạnh buốt. Trong khi đó, vị giác vẫn còn hoạt động bình thường.
Vì đang mang bầu nên chị không thể uống các loại thuốc điều trị. Thay vào đó, chị dùng thuốc ho dành cho bà bầu và xông mũi họng bằng sả, tỏi. Ngoài ra, mẹ bầu cũng đun cả vỏ cam, vỏ chanh để xông và uống nước gừng liên tục. Dù không thể cảm nhận nhiều mùi vị từ việc ăn uống nhưng chị vẫn ăn "điên cuồng" để có sức đề kháng và đảm bảo dinh dưỡng cho em bé. Thậm chí chị còn đặt báo thức vào nửa đêm để dậy ăn nhẹ, uống sữa, nước cam, hoa quả.
Ngày thứ hai, chị cho biết mình bị ho nhiều hơn, rát họng và không còn cảm thấy mùi vị. Chị không bị sốt nhưng thấy mết mỏi và muốn nằm. Tuy nhiên, chị không dám nằm xuống vì sợ chợp mắt là có thể lịm đi. Chị Linh cũng bắt đầu cảm thấy khó thở. Bản thân chị từng là huấn luyện viên yoga, thường xuyên tập các bài thở từ dễ đến khó nhưng sau khi nhiễm Covid-19, ngay cả bài tập thở đơn giản nhất cũng trở nên quá sức với chị. Chị không thể nín thở quá 10 giây.
Đối với người bình thường, nhiễm Covid-19 đã rất mệt mỏi, đối với phụ nữ mang thai như chị Linh, cảm giác như đang bị "hành xác".
Sau đó, chị mất vị giác, uống nước cam, uống sữa cũng như nước lọc, không còn phân biệt được vị chua hay ngọt. Dù cơ thể mệt mỏi rã rời nhưng chị Linh vẫn có gắng vận động nhẹ nhàng, lắc tay lắc hông.
Ở thời điểm này, chỉ số oxy trong máu SpO2 của chị chỉ tầm 92-93, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng.
Chị uống nước gừng, tỏi, thậm chí nhai tỏi sống. Vì nhiễm Covid-19 nên chị ăn tỏi sống chỉ có cảm giác xót, nóng rát chứ không thấy mùi vị gì. Chiều tối cùng ngày, chị bắt đầu có biểu hiện sốt hơn 38 độ C, mặt mũi sưng húp.
Sang ngày thứ 3, chị Linh kể rằng cổ họng của mình bị nghẹt đờm ngày từ sáng sớm. Dù thở tốt hơn nhưng chị vận không nhận biết được mùi vị. Chị vẫn tiếp tục xịt mũi, rửa mũi, súc họng, ngậm mật ong, uống nước gừng ấm.
Khi test nhanh, chị thấy 2 vạch dương tính đậm hơn hẳn.
Sau 3 ngày theo dõi sức khỏe, chị nhận thấy buổi sáng sức khỏe sẽ ổn định hơn, đến chiều là bắt đầu sốt và khó thở.
Quan trọng hơn cả là em bé vẫn khỏe mạnh, đạp đều đặn trong bụng nên chị cũng yên tâm hơn. Em bé là động lực để chị ăn uống đầy đủ dù món gì vào miệng lúc này cũng như nhai rơm.
Sang ngày thứ 4, chị bị ho dữ dội nên phải nhai gừng liên tục để làm dịu cổ họng. Chị biết người bị nhiễm Covid-19 sợ nhất là virus tấn công vào phổi vì khi đó chắc chắn sẽ phải thở oxy. Để tránh điều này, mẹ bầu tích cực xịt mũi, súc họng, ho và khạc đờm liên tục.
Đến ngày thứ 5, dù đã sử dụng qua tất cả các loại xịt họng, siro ho, uống nhiều nước sả, gừng nhưng chị Linh vẫn ho đến tức ngực, đau cơ bụng, thượng vị và có cảm giác khó chịu ở phần tim. Sau đó, người nhà chưng siro ho từ hẹ, quất, đường và cho chị dùng. Rất may, cách này có hiệu quả với chị.
Ngày thứ 6, chị đỡ ho nhưng chưa lấy lại được vị giác, khứu giác. Khi test nhanh thì thấy vạch dương tính mờ hơn. Tuy nhiên, mẹ bầu lại gặp vấn đề về thính giác khi đầu luôn ù ù, nghe âm thanh gì cũng bị đau đầu, chói tai.
Đến trưa ngày thứ 7, khi ăn món gà hầm, chị bắt đầu ngửi thấy mùi rất nhẹ và thoảng qua. Chiều hôm đó, khi ăn rau diếp cá, lá bạc hà, mẹ bầu Hà Nội cũng nhận thấy chút mùi vị. Tuy nhiên, chị vẫn không cảm nhận được hương vị của các loại hải sản. Dù vậy, đây vẫn là một dấu hiệu tích cực trong chuỗi ngày chiến đấu với Covid-19 của mẹ bầu.
Đến ngày thứ 8, khứu giác và vị giác của mẹ bầu đã được cải thiện. Kết quả test nhanh của cả hai vợ chồng cũng đã âm tính. Tuy nhiên, hai người vẫn tiếp tục cách ly ở nhà.
Trải qua lần này, chị Linh cảm thấy trân trọng hơn khi có gia đình ở bên cạnh lo lắng, chăm sóc, đặc biệt là chồng - người đồng hành, bác sĩ riêng của chị.
Bản thân là người từng trải qua cảm giác trở thành F0, chị Linh cũng nhắn nhủ với mọi người rằng dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, dù đã tiêm đủ vắc xin thì cũng không được chủ quan, cần phải nghiêm túc thực hiện 5K và giữ gìn sức khỏe.