(Đời sống) - "Luật hiếu thảo" của Trung Quốc vừa đi vào thực tế được hai ngày đã có kết quả ngay. Đây thực sự là một đòn liệu pháp tích cực trong điều trị căn bệnh bất hiếu đang ngày càng phức tạp trong xã hội.
Ngày 2/7, TAND ở Trung Quốc đã xử thắng kiện cho bà lão họ Chu. Được biết, từ đầu năm 2013, bà lão này đã đâm đơn kiện người con gái mình ra tòa vì xung đột giữa hai mẹ con. Bà Chu đã ra khỏi nhà đứa con gái để đến ở với đứa con trai. Đứa con gái của bà Chu sau đó không chịu chăm sóc bà nữa.
Ngay sau khi "luật hiếu thảo" ở Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/7, Tòa án thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Châu, Trung Quốc đã ra phán quyết cặp vợ chồng phải đến thăm mẹ ít nhất hai tháng một lần và ở cùng bà ít nhất hai ngày lễ quốc gia của Trung Quốc. Hai vợ chồng này sẽ phải bồi thường nếu họ không đến thăm bà.
Trước đây, vợ chồng người con gái đã đồng ý chăm sóc bà Chu nhưng sau những tranh chấp trong gia đình khiến bà Chu phải bỏ nhà người con gái đến sống tại nhà con trai. Kể từ đó con gái bà không đến thăm bà nữa.
Trước tình trạng con cái ngày càng bỏ rơi cha mẹ nhiều Trung Quốc đã ra đạo luật hiếu thảo để trừng trị những người con bất hiếu thay thế những tòa án lương tâm đã lỗi thời ở đất nước mà gia đình chỉ còn là cái vỏ rỗng tếch.
Người già Trung Quốc từ nay có cơ sở pháp lý bảo vệ |
Luật mới ban hành nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người cao tuổi, quy định con cái phải thường xuyên thăm nom và chăm sóc cha mẹ già từ 60 tuổi trở lên, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương phải hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi.
Luật này được nhiều người dân ủng hộ vì cho rằng đã đến lúc việc chăm sóc cha mẹ phải được áp đặt thay vì vận động. Nhưng cũng có nhiều chuyên gia lo ngại rằng luật mới này sẽ rất khó để thực thi vì tâm lý "nước mắt chảy xuôi" không cha mẹ nào nỡ đẩy con cái ra vành móng ngựa. Trong khi đó, một lượng lớn cư dân mạng Trung Quốc lại lên tiếng nhạo báng đạo luật này và gọi nó là “sự sỉ nhục quốc gia”.
Còn tại Việt Nam, dù chưa có "luật hiếu thảo" như ở Trung Quốc nhưng thời gian gần đây, liên tiếp các vụ con cái bạo hành, không chăm sóc tốt cha mẹ già được phát hiện đã dấy lên những làn sóng phản ứng mạnh mẽ trong xã hội. Chính vì vậy mà đã có rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cũng nên ra đạo luật để bảo vệ quyền lợi người cao tuổi, quy định trách nhiệm của các gia đình phải quan tâm đến nhu cầu tinh thần của cha mẹ, ông bà, không xem thường hoặc ghẻ lạnh người lớn tuổi.
Chính vì vậy, tại dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi đã có những quy định xử phạt đối với những hành vi bạo hành hay con cái, người có trách nhiệm không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi.
Khoản A, Điều 36 trong dự thảo quy định có nêu rõ các hình phạt với các đối tượng không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi. Cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi được quy định tại Điều 10 luật người cao tuổi (con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình) không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng.
Nhiều người cho rằng những quy định trên chính là nền tảng cơ bản của luật báo hiếu với cha mẹ ở nước ta, và việc xúc tiến ban hành bộ luật này trong thời gian sớm nhất là cần thiết. Luật không phải để giơ ra đe dọa mọi người, luật dùng trừng phạt những kẻ cố tình làm sai trách nhiệm làm người của mình. Người dân Việt Nam cũng đang mong chờ có luật hiếu thảo ra đời để tránh những câu chuyện ngược đời "con cái muốn cho mẹ già vào tù" xảy ra ở Hà Nội vừa qua.
- Trúc Linh (Tổng hợp)